Bạn đang xem bài viết Phân tích hai khổ thơ đầu bài thơ Viếng Lăng Bác được Vinabooks.vn tổng hợp sưu tầm từ trang Reader.com.vn các bạn hãy truy cập trang để mua sách ủng hộ đội ngũ có thêm kinh phí ra những bài viết hay hơn nhé.
Bác Hồ từ lâu đã trở thành bao nguồn cảm hứng cho các thi sĩ sáng tác thơ ca. Mỗi một tác giả đều có những xúc cảm riêng khi viết về Bác, là xót xa, là nuối tiếc, là tự hào, cũng là ngưỡng mộ cho một đời người vì dân, vì nước. Bằng cảm xúc chân thực, bằng ngôn ngữ gợi cảm kết hợp cùng hình ảnh quen thuộc giàu chất tạo hình thì nhà thơ Viễn Phương đã đóng góp vào kho tàng văn học Việt Nam một bài thơ được viết với tất cả tấm lòng thành kính biết ơn của một người con từ miền Nam ra viếng Bác lần đầu – bài thơ “Viếng Lăng Bác”.
Nhà thơ Viễn Phương tên khai sinh là Phan Thanh Viễn, sinh năm một ngàn chín trăm hai mươi tám và mất năm hai ngàn lẻ năm, quê ở An Giang. Ông là một trong những cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng ở miền Nam thời kì chống Mĩ cứu nước. Bài thơ “Viếng lăng Bác” được viết vào tháng tư năm một ngàn chín trăm bảy mươi sáu, khi cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước kết thúc thắng lợi, đất nước thống nhất, lăng Bác Hồ mới được khánh thành, Viễn Phương ra Bắc thăm lăng Bác và đã viết bài thơ này. “Viếng lăng Bác” dường như đã nói lên được tấm lòng thành kính và biết ơn vô hạn của nhà thơ cũng như đồng bào miền Nam đối với vị lãnh tụ vĩ đại, người cha già kính yêu của dân tộc. Đặc biệt, những tình cảm ấy lại mạnh mẽ và dạt dào nhất ở hai khổ thơ một và hai.
Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi ! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…
Bài thơ thuộc thể loại thơ tự do và gồm có bốn khổ. Nếu như khổ ba, bốn của bài thơ đã nói lên những cảm xúc thành kính và lòng biết ơn cùng nỗi xót xa của Viễn Phương khi bước vào trong lăng Bác. Thì khổ thơ một và hai trong bài thơ đã thành công thể hiện được cảm xúc trang nghiêm cùng giọng điệu trang trọng của nhà thơ Viễn Phương khi đứng trước lăng Bác. Hai khổ đầu của bài thơ như những nốt nhạc du dương, nhẹ nhàng như tấm lòng tha thiết yêu mến của nhà thơ với Bác Hồ. Bằng những ngôn từ ẩn dụ đặc sắc, từ ngữ bình dị mà giàu sức gợi cảm, câu thơ đã khơi gợi trong lòng người đọc những rung động sâu sắc và đáng quý.
Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi ! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.
Mở đầu bài thơ, Viễn Phương đã bày tỏ cảm xúc của mình qua lời tự giới thiệu như lời tâm tình nhẹ nhàng, “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”.Đại từ nhân xưng “con”, “Bác” là cách xưng hô ngọt ngào thân thương rất Nam Bộ, dường như nhà thơ muốn thể hiện tình cảm yêu thương kính trọng của mình đối với Bác. Cách xưng hô nghe vừa chân chất, mộc mạc lại vừa gần gũi thân tình. Đồng thời, cũng diễn tả tâm trạng xúc động của người con ra thăm cha sau bao nhiêu năm xa cách. “Con” ở đây cũng là cả miền Nam, là tất cả tấm lòng của đồng bào Nam Bộ đang hướng về Bác, hướng về vị cha già kính yêu của dân tộc với một niềm xúc động lớn lao. Nhà thơ sử dụng từ “thăm” thay cho từ “viếng”một cách đầy tinh tế, Viễn Phương đã cố tình thay từ viếng bằng từ thăm để giảm nhẹ nỗi đau thương mà vẫn không che giấu được nỗi xúc động của cảnh tử biệt sinh li. Đây là cách nói giảm, nói tránh nhằm làm giảm nhẹ nỗi đau thương mất mát. Dường như nhà thơ muốn nói với người đọc rằng dù Bác đã mãi mãi ra đi nhưng hình ảnh của Người vẫn còn mãi trong trái tim nhân dân miền Nam, trong lòng dân tộc.
Và với một cảm xúc tiếc thương đang dâng trào ấy, Viễn Phương dường như trở thành một người con từ chiến trường miền Nam cùng bao nỗi xúc động sau bao năm mong mỏi bây giờ mới được ra thăm người cha kính yêu của mình. Hình ảnh đầu tiên mà tác giả thấy được và là một dấu ấn đậm nét của Việt Nam ta, là hàng tre xanh quanh lăng Bác.
“Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát.
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.”
Có lẽ hình ảnh đầu tiên nhà thơ bắt gặp qua màn sương mờ buổi sớm chính là bóng dáng quen thuộc của làng quê, nhưng trong đó cũng là một hàng tre bát ngát xanh tươi trải rộng bên lăng như những hàng quân canh giữ cho giấc ngủ yên bình của Bác. Bằng bút pháp tả thực, tác giả đã giúp ta hình dung một hiện thực trong màu sương trắng mờ ảo, cảnh quan quanh lăng Bác hiện ra thật lung linh mà cũng vô cùng thú vị. Hình ảnh “hàng tre trong sương” đã khiến câu thơ vừa thực vừa ảo.
Hàng tre xanh mộc mạc và bình dị của quê hương được nhà thơ nhấn mạnh qua câu từ “Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam”.Từ cảm thán “Ôi” bộc lộ cảm xúc trào dâng khi bắt gặp hình ảnh thân thiết của quê nhà. Từ gợi tả “xanh xanh” đảo ra phía trước như muốn nhấn mạnh sức sống bền bỉ của quê hương, dân tộc. Nhờ phép dùng điệp ngữ ấy, hàng tre hiện lên vẻ đẹp đẽ vô cùng rõ nét. Và sau cùng, hình ảnh hàng tre còn là một biểu tượng con người, dân tộc Việt Nam kiên trung bất khuất. Thành ngữ “bão táp mưa sa”nhằm chỉ những khó khăn thử thách của lịch sử dân tộc Việt Nam. Dáng “đứng thẳng hàng” là tinh thần đoàn kết đấu tranh, chiến đấu anh hùng, không bao giờ khuất phục của một dân tộc tuy nhỏ bé nhưng vô cùng mạnh mẽ. Đây là một ẩn dụ mang tính khẳng định tinh thần hiên ngang bất khuất, sức sống bền bỉ của dân tộc.
Nhắc tới hình ảnh hàng tre ta không thể quên đó là một loại vũ khí vốn gắn bó với truyền thống đánh giặc thật hào hùng của dân tộc Việt Nam thân yêu này. Hình ảnh Thánh Gióng nhổ cụm tre ngà đánh tan giặc còn đọng lại trong ký ức dân tộc biết bao cảm xúc. Ngô Quyền dùng cọc tre tạo thành trận địa mai phục đánh chìm tàu thuyền quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm nào khiến cho kẻ thù đến trăm năm sau còn kinh hồn bạt vía. Nó tái hiện lại cả quá khứ hào hùng, lẫm liệt; gợi nhớ đến những chiến công hiển hách của thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,… Nó làm hiện ra trước mắt người đọc những đau thương, mất mát, sự hi sinh của dân tộc trong cuộc chiến đấu chống xâm của kẻ thù.
Chỉ một khổ thơ ngắn thôi nhưng cũng đủ để thể hiện những cảm xúc chân thành, thiêng liêng của nhà thơ và cũng là của nhân dân đối với Bác kính yêu. Với cảm xúc dâng trào ấy, nhà thơ đã thả hồn liên tưởng tới hình ảnh vĩ đại khi bước đến gần lăng Bác:
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy chín mùa xuân.”
Mặt trời rực sáng đem đến sự sống, đem đến ánh sáng tươi đẹp cho trái đất. Nếu mặt trời trong câu thơ thứ nhất là một hình ảnh thực, là một vật thể không thể thiếu của vũ trụ, thì mặt trời trong câu thơ thứ hai lại là một hình ảnh ẩn dụ được nhà thơ sử dụng một cách sáng tạo và độc đáo. Đó là hình ảnh của Bác Hồ vĩ đại. Giống như “mặt trời”, Bác Hồ cũng là nguồn ánh sáng, nguồn sức mạnh của con dân Việt Nam. Viễn Phương miêu tả Bác như mặt trời là để nói lên sự trường tồn vĩnh cửu của Bác, giống như sự tồn tại vĩnh viễn của mặt trời tự nhiên, đồng thời nói lên sự vĩ đại của Bác, người đã đem lại cuộc sống tự do cho dân tộc Việt Nam thoát khỏi đêm dài nô lệ.
Hình ảnh dòng người vào thăm lăng Bác khiến Viễn Phương đã liên tưởng đó là “tràng hoa”, vì thế nhà thơ đã miêu tả một cách độc đáo và để lại nhiều ấn tượng. Một lần nữa nhà thơ đã kết hợp hai hình ảnh thực và ẩn dụ sóng đôi nhau để miêu tả sự nhớ thương của nhân dân đối với Bác và đồng thời cũng khắc họa công ơn Bác:
“Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy chín mùa xuân.”
Tràng hoa là hình ảnh ẩn dụ những người con từ khắp miền đất nước về đây viếng Bác giống như những bông hoa trong vườn được Bác ươm trồng, chăm sóc nảy nở rộ ngát hương rồi về đây tụ hội kính dâng lên Bác. Mặt khác ta nhận thấy cụm từ “ngày ngày” được lặp lại một lần nữa. “Ngày ngày” là sự lặp đi lặp lại, không thay đổi. Nhà thơ đã sử dụng phép điệp ngữ cho cụm từ này, có lẽ nhà thơ muốn nhấn mạnh một chân lý. Nếu mỗi ngày mặt trời đi qua trên lăng, tỏa ánh sáng sưởi ấm vạn vật là một điệp khúc không thay đổi của thời gian, thì công ơn của Bác ngự trị trong lòng người dân Việt Nam cũng không phai nhòa theo năm tháng. Để rồi, cuối cùng bằng những hình ảnh hoán dụ: “bảy mươi chín mùa xuân”, Viễn Phương đã trân trọng ngợi ca cả cuộc đời Bác là một trường ca xuân đem lại cho đời, cho người niềm hạnh phúc ấm no. Bởi lẽ hình ảnh hoán dụ “bảy mươi chín mùa xuân” tượng trưng cho bảy mươi chín năm Bác đã cống hiến cuộc đời cho đất nước, cho cách mạng.
Về nghệ thuật, bài thơ “Viếng lăng Bác’’ có nhiều điểm nghệ thuật rất đặc sắc, giúp biểu hiện thành công thêm về những giá trị nội dung. Từng câu thơ trong bài đều có giọng điệu trang trọng và tha thiết, gợi lên cho người đọc nhiều hình ảnh ẩn dụ đẹp và gợi cảm, ngôn ngữ bình dị mà cô đúc. Bài thơ “Viếng lăng Bác” đã thật sự thành công khi đã thể hiện được tâm trạng lưu luyến, xúc động và lòng thành kính biết ơn sâu sắc của tác giả khi vào lăng viếng Bác một cách chân thực nhất. Đó là tình cảm thành kính thiêng liêng của người con Nam Bộ đối với vị cha già dân tộc.
Bằng những từ ngữ, lời lẽ chân thành, giàu cảm xúc, nhà thơ Viễn Phương đã bày tỏ được niềm xúc động cùng lòng biết ơn sâu sắc đến Bác trong một dịp ra miền Bắc viếng lăng Bác. Cũng như nói lên được nỗi lòng của bao người con Việt Nam khi Bác ra đi, qua đó thấy được vị trí của Bác Hồ trong lòng dân quan trọng như thế nào. Từ bài thơ này, em cảm thấy mỗi tuổi đời của Bác là một mùa xuân tươi đẹp dâng hiến cho Tổ quốc. Và giờ đây, Bác chính là mùa xuân còn dòng người là những đóa hoa tươi thắm. Hoa nở giữa mùa xuân, một hình ảnh đẹp đẽ, ý nghĩa biết bao! Em xin tự dặn với lòng sẽ cố gắng chăm ngoan ra sức học tập, rèn luyện tốt nhân cách đạo đức, mai sau góp công sức nhỏ bé của mình vào việc xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước, đền đáp phần nào công lao vĩ đại của Bác.
Viết bởi Khủng Long
Nguồn: https://www.reader.com.vn/phan-tich-hai-kho-tho-dau-bai-tho-vieng-lang-bac-a277.html