Bạn đang xem bài viết Tình huống truyện đặc sắc trong Vợ nhặt của Kim Lân được Vinabooks.vn tổng hợp sưu tầm từ trang Reader.com.vn các bạn hãy truy cập trang để mua sách ủng hộ đội ngũ có thêm kinh phí ra những bài viết hay hơn nhé.
Vợ nhặt là tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam, được viết bởi nhà văn Kim Lân, một nhà văn chỉ học hết cấp tiểu học nhưng lại có tài năng và vốn từ phong phú không thua kém những tác giả khác. “Vợ nhặt” là một tác phẩm đặc sắc, được thai nghén trong 10 năm và là một trong tác phẩm viết về Việt Nam những năm 1945, khi nạn đói đang hoành hành. Tác phẩm không chỉ có nội dung nhân văn, mà nghệ thuật cũng có giá trị rất lớn, trong đó nổi bật nhất là tình huống truyện khác thường, vừa có giá trị nghệ thuật cao, vừa gợi mở những tư tưởng phong phú.
Tình huống truyện trong “Vợ nhặt”
Truyện Vợ nhặt kể về cuộc sống ngột ngạt, bức bối của nhân dân ta trong thời gian xảy ra nạn đói khủng khiếp đã làm chết hơn hai triệu người. Đấy là hậu quả chính sách cai trị dã man của thực dân Pháp trong mấy mươi năm và chủ trương tàn bạo “nhổ lúa trồng đay” của phát xít Nhật. Cũng như một số tác phẩm khác viết về nạn đói, ngòi bút Kim Lân chứa chan thương cảm trước những số phận bất hạnh. Thông qua truyện, tác giả tố cáo tội ác dã man của thực dân Pháp, phát xít Nhật; đồng thời phản ánh khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc và niềm tin vào tương lai tươi sáng của người dân lao động. Tác phẩm “Vợ nhặt” đã xây dựng được tình huống truyện độc đáo có những nét khác thường, bộc lộ được nhiều vấn đề khiến độc giả phải chú ý tìm hiểu và suy nghĩ. Tình huống truyện được thể hiện ngay ở nhan đề tác phẩm: vợ được nhặt như người ta nhặt một cái rơm cái rác bên đường. Kế đó là ngay trong tác phẩm: Tràng nghèo, xấu xí, thô kệch lại là dân xóm ngụ cư có vợ trong nạn đói khiến cho xóm ngụ cư và cả bà cụ Tứ, mẹ Tràng ngạc nhiên và ngay cả Tràng cũng không tin đó là sự thật. Tình huống nhặt vợ, đặc sắc, éo le và khác lạ, đồng thời gợi mở những chi tiết đặc biệt trong tác phẩm.
Phân tích tình huống truyện
* Giá trị hiện thực
Truyện ngắn là một lát cắt của hiện thực đời sống, bản thể thu nhỏ của cuộc đời. Lịch sử diễn ra trong hàng chục năm với hàng trăm sự kiện, có thể tóm gọn lại chỉ trong vài trang giấy, nhưng vẫn đủ để phản ánh hiện thực. Mọi hình thức nghệ thuật của văn học, mọi thủ pháp, bút pháp đều nhằm mục đích vẽ lại một cách chân thật nhất dưới lăng kính của người nghệ sĩ. Vì vậy, tình huống truyện của “Vợ nhặt” cũng không phải ngoại lệ, giá trị đầu tiên của tình huống này là giá trị hiện thực. Hai tiếng “vợ nhặt” gợi ta nghĩ đến một điều thật trớ trêu. Xưa nay, chuyện dựng vợ gả chồng là việc hệ trọng. Nó thể hiện ở tình cảm sâu nặng, nghi lễ thiêng liêng và quá trình xây đắp gắn bó. Thế mà tác phẩm lại kể về chuyện một người “nhặt” được vợ, chẳng khác nào tiện tay nhặt một vật gì đó. Chỉ vu vơ vài câu nói bông đùa, cùng bốn bát bánh đúc, cu Tràng đã nhặt được vợ. Tình huống này gợi mở về hiện thực đau lòng của xã hội nước ta thời bấy giờ, khi mà giá trị và tính mạng con người trở nên rẻ rúng trước cái ăn cái mặc. Con người ta chỉ đủ thời gian để suy nghĩ về cái đói, có thể thấy, cái đói ám ảnh thành hình thành khối, thành mùi và thành suy nghĩ của con người.
Năm 1945 chứng kiến nạn đói lớn nhất trong lịch sử Việt Nam với hơn hai triệu người chết đói, đất nước non trẻ gồng mình chiến đấu với cả 3 loại giặc: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, trong đó, giặc đói là cấp thiết nhất. Khi Tràng đang ngồi nghỉ trước cổng chợ tỉnh thì bất ngờ có người đàn bà sầm sập chạy đến, cong cớn, sưng sỉa với hắn “ Điêu, người thế mà điêu”. Tràng không nhận ra người đàn bà ngày trước đẩy xe cho mình. Trước mặt hắn là một người đàn bà thảm hại đã bị cái đói tàn hại cả nhan sắc lẫn nhân cách. Bởi vậy mà mới có tình huống nhặt vợ, bởi bây giờ, như bản năng, con người ta sẵn sàng vứt bỏ cả lòng tự trọng để bám lấy sự sống. Tác phẩm tố cáo tội ác của bọn thực dân, phát xít và tay sai gây nên nạn đói khủng khiếp năm 1945 với trên hai triệu đồng bào ta bị chết đói. Trong hoàn cảnh ấy giá trị của con người thật rẻ rúng, mà thị chỉ là một trong số rất nhiều người Việt Nam đang gồng mình vì nạn đói.
* Giá trị nhân đạo sâu sắc
Để làm nổi bật tính độc đáo của tình huống truyện, Kim Lân đã soi chiếu nó từ rất nhiều góc nhìn khác nhau. Việc Tràng dẫn về một người đàn bà xa lạ đã thành một biến cố gây xôn xao cái xóm ngụ cư vốn đang chìm trong lặng lẽ vì đói khát. Giống như một làn gió mới được thổi đến cuộc đời nhàm chán, lặp đi lặp lại của xóm ngụ cư. Thị, người đàn bà chấp nhận về làm dâu chỉ với bốn bát bát đúc, thực chất là một người khát sống, nghị lực, cái lớp vỏ xám xịt bên ngoài chỉ là bản năng mà thị tạo ra để chống lại những sóng gió của cuộc đời. Một con người bé nhỏ, nhưng lại thay đổi cả một gia đình. Thị đến mang đến hi vọng về cuộc sống mới cho mẹ con cu cậu Tràng, một cuộc sống ấm no hạnh phúc, đánh dấu sự thức tỉnh về nhận thức của Tràng, thôi thúc Tràng trở thành một người đàn ông thực sự.
Tình huống truyện thể hiện mong muốn được hạnh phúc không bao giờ tắt ở những con người nhỏ bé, hàng ngày tưởng chỉ quẩn quanh trong cơm áo gạo tiền. Nhưng họ cũng là những người giàu tình yêu nhất. Tình huống nhặt vợ thể hiện khát khao có được một gia định thật sự của Tràng, cũng như tình thương giữa những người cùng khổ, họ sẵn sàng hi sinh để che chở cho nhau vượt qua nạn đói. Tình huống truyện là hoàn cảnh để các nhân vật bộc lộ tính cách phẩm chất của mình. Tràng từ một anh chàng bình thường, lại là người xóm ngụ cư nay biết nghĩ đến gia đình, biết chăm lo cho tổ ấm. Thị từ một người đanh đá, chua ngoa, trở nên ý tứ ra dáng một nàng dâu. Tình huống truyện đã thể hiện tình người và lòng ham sống, bản chất lạc quan của người lao động trong hoàn cảnh khốn cùng.
Tác phẩm “Vợ nhặt” đã xây dựng được tình huống truyện độc đáo có những nét khác thường, bộc lộ được nhiều vấn đề khiến độc giả phải chú ý tìm hiểu và suy nghĩ. Vừa mang tính hiện thực sâu sắc, vừa có giá trị nhân đạo, giúp người đọc hiểu hơn về các nhân vật.
Xem thêm:
- Giá trị hiện thực trong các tác phẩm của Thạch Lam
- Giá trị nhân đạo trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du
- Những chi tiết đắt giá trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao
Thảo Nguyên
Nguồn: https://www.reader.com.vn/tinh-huong-truyen-dac-sac-trong-vo-nhat-cua-kim-lan-a522.html