Bạn đang xem bài viết Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm – Nhà tiên tri lỗi lạc của Việt Nam được Vinabooks.vn tổng hợp sưu tầm từ trang Reader.com.vn các bạn hãy truy cập trang để mua sách ủng hộ đội ngũ có thêm kinh phí ra những bài viết hay hơn nhé.
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ nổi danh nhờ tài học sâu rộng, tầm nhìn chiến lược, mà còn được người đời tôn kính vì những lời sấm truyền, tiên tri chính xác. Cũng chính vì vậy mà ông được dân gian truyền tụng như một vị Thánh với khả năng thấu thị và tiên tri về số mệnh, vận mệnh. Cùng bài viết dưới đây để tìm hiểu về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
1. Tóm lược tiểu sử và sự nghiệp trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
Nguyễn Bỉnh Khiêm có tên khai sinh là Nguyễn Văn Đạt sinh năm 1491 mất năm 1585, tên húy là Văn Đạt, tự là Hạnh Phủ, hiệu là Bạch vân am cư sĩ. Ông được sinh ra tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương nay là thành phố Hải Phòng. Cha mẹ của ông vốn nổi tiếng học rộng, cha là giám sinh Nguyễn Văn Định, nổi tiếng hay chữ nhưng chưa hiển đạt trong đường khoa cử, còn mẹ là Nhữ Thị Thục, một người phụ nữ có bản lĩnh khác thường, học rộng biết nhiều lại tinh thông địa lý, tướng số. Ngay từ khi Nguyễn Bỉnh Khiêm cất tiếng khóc chào đời, thấy con mình có tướng mạo khác thường, bà đã dốc lòng đào tạo con trai thành một tài năng giúp nước, cứu đời.
Nguyễn Bỉnh Khiêm đã sớm tìm được thầy học có đạo cao đức cả là cụ bảng nhãn Lương Đắc Bằng. Với trí tuệ mẫn tiệp, thông minh từ nhỏ, lại gặp được thầy giỏi khác nào như rồng gặp mây, ông sớm thành tài năng kiệt xuất nổi tiếng. Sau này, chính thầy giáo đã giao con trai cho Nguyễn Bỉnh Khiêm nuôi dạy. Ông lớn lên trong một giai đoạn lịch sử nhà Lê suy thoái, rơi vào khủng hoảng, nên ông không ra ứng thi sớm. Sau khi bỏ qua 6 khoa thi thời triều Lê sơ và 2 khoa thi đầu dưới triều Mạc, mãi đến năm 1535, lúc ấy ông đã 45 tuổi, Nguyễn Bỉnh Khiêm mới đi thi. Ba lần thi Hương, thi Hội, thi Đình ông đều đỗ đầu và đỗ Trạng Nguyên. Từ đấy, Nguyễn Bỉnh Khiêm được bổ nhiệm làm nhiều chức vụ, được phong làm tước Trình Tuyền Hầu rồi Trình Quốc Công nên dân gian quen gọi ông là Trạng Trình.
Không chỉ có tầm nhìn sâu rộng, ông còn hiểu sâu nghĩa lý Kinh Dịch, mưa nắng, họa phúc việc gì cũng biết trước. Các sử sách đều thừa nhận Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà dự báo, hoạch định chiến lược kì tài, coi ông là nhà tiên tri số một nước Việt. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dự đoán nhiều điều trong tương lai, những lời này được gọi là “Sấm Trạng Trình”. Đến những đời sau khi sự việc xảy ra người ta mới giật mình bởi khả năng tiên tri chính xác đến kinh ngạc của ông.
Hơn thế nữa, Nguyễn Bỉnh Khiêm còn là nhà thơ nổi tiếng của dân tộc. Ông đã để lại cho hậu thế những tác phẩm văn thơ có giá trị như: Bạch Vân am thi tập và Bạch vân quốc ngữ thi. Thơ của ông giàu chất liệu hiện thực, mang tính triết lý sâu xa của thời cuộc. Thơ ông còn truyền đạt cho đời một đạo lý đối nhân xử thế, đạo vua tôi, cha con và quan hệ bầu bạn, hàng xóm láng giềng. Đọc thơ ông là có thể thấy cả một tấm lòng lo cho nước, thương đời, thương dân, và một tâm hồn suốt đời da diết với đạo lý: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ).
2. Những lời tiên tri nổi tiếng của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Nguyễn Bỉnh Khiên được nhìn nhận là một trong những nhà văn hóa lớn của dân tộc. Ông là một chính khách có uy tín, bậc hiền triết, nhà tiên tri số một. Ngày nay, người đời còn lưu truyền nhiều tiên đoán được cho là của ông. Một số lời sấm nổi tiếng của Trạng Trình:
Tương truyền, ông là người đã đưa ra lời khuyên giúp các nhà Nguyễn, Mạc, Trịnh, Lê thoát khỏi khó khăn, vận hạn. Ông từng đưa ra lời sấm khuyên nhà Mạc chạy lên Cao Bằng dựng nghiệp, sau khi thất thủ ở Thăng Long, và sẽ tồn tại ba đời. Quả nhiên, những gì ông nói đều đúng.
Ông còn khuyên Trịnh Kiểm “giữ chùa thờ Phận được ăn oản”, tìm người trong tông thất nhà Lê lập làm vua. Nhà Trịnh làm theo và từ đó nối đời cầm quyền, nhưng danh nghĩa vẫn là tôn phò nhà Lê.
Với nhà Nguyễn, Nguyễn Hoàng (con trai thứ Nguyễn Kim) từng cho người đến hỏi Nguyễn Bỉnh Khiên và nhận được câu ẩn ý “Hoành sơn nhất đái khả dĩ dung thân” (một dải Hoành sơn có thể dung thân được). Năm 1568 Nguyễn Hoàng xin vào trấn thủ xứ Thuận Hóa rồi dần xây dựng cơ đồ họ Nguyễn ở phương Nam.
Trong bài thơ Cự Ngao Đới Sơn, thuộc tập thơ Bạch Vân am thi tập, Nguyễn Bỉnh Khiêm viết “Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình/ Chí những phủ nguy xin gắng sức/ Cõi bờ xưa cũ tổ tiên mình”. Câu này như lời khuyên của Trạng Trình với thế hệ sau, rằng phải nắm giữ được biển Đông thì đất nước mới thái bình, thịnh trị muôn đời.
Nhiều nhà sưu tầm và nghiên cứu cho rằng, Cách Mạng Tháng Tám được Trạng Trình dự báo qua câu thơ “Đầu thu gà gáy xôn xao/ Trăng xưa sáng tỏ soi vào Thăng Long”. Ở câu đầu, “đầu Thu” là tháng 7 Âm lịch, “gà” nghĩa là năm Ất Dậu, tới điểm sự kiện lịch sử này diễn ra, “gáy xôn xao” nghĩa là có tiếng vang lớn, thức tỉnh muôn người. Ở câu tiếp theo, “trăng xưa” nghĩa là “cổ nguyệt” theo Hán tự, ghép lại thành từ “hồ”, là họ của Hồ Chí Minh. “Sáng tỏ soi vào Thăng Long” là sự kiện Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập trước hàng vạn đồng bào ở quảng trường Ba Đình của thủ đô Thăng Long – Hà Nội.
Ngoài ra, hiện nay, dân gian còn lưu hành rất nhiều câu Sấm Trạng. Tuy vậy, theo các nhà nghiên cứu, “Sấm Trạng Trình” là một hiện tượng văn học cần phải được tìm hiểu và xác minh thêm, không ngoại trừ khả năng nhiều câu sấm được người đời sau bổ sung.
Độc giả có thể thấy được rằng Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là một danh nhân văn hóa Việt Nam, có tài học sâu hiểu rộng đặc biệt là những lời sấm truyền của ông vô cùng chính xác được lưu truyền đến đời sau. Và cũng vì thế mà ông được suy tôn là nhà tiên tri số 1 Việt Nam.
Nguồn: https://www.reader.com.vn/trang-trinh-nguyen-binh-khiem-nha-tien-tri-loi-lac-cua-viet-nam-a701.html