Màu sắc Nam Bộ trong tác phẩm Những đứa con trong gia đình

Màu sắc Nam Bộ trong tác phẩm Những đứa con trong gia đình

Bạn đang xem bài viết Màu sắc Nam Bộ trong tác phẩm Những đứa con trong gia đình được Vinabooks.vn tổng hợp sưu tầm từ trang Reader.com.vn các bạn hãy truy cập trang để mua sách ủng hộ đội ngũ có thêm kinh phí ra những bài viết hay hơn nhé.

“Nhà văn của người nông dân Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước”. Đó là lời nhận định về Nguyễn Thi, nhà văn có năng lực phân tích tâm lí sắc sảo. Văn của ông giàu chất hiện thực, đầy những chi tiết của chiến tranh, lại vừa đằm thằm chất trữ tình với ngôn ngữ phong phú, góc cạnh, đậm chất Nam Bộ. Việc đưa màu sắc, giọng điệu của một vùng miền nói chung, Nam Bộ nói riêng của nhà văn có thể xem là một thành công lớn. Đặc biệt điều đó được thể hiện rõ ràng qua truyện ngắn xuất sắc nhất của Nguyễn Thi: “Những đứa con trong gia đình”

  • Phân tích khổ hai bài thơ Nói với con của Y Phương
  • Cảm nhận vẻ đẹp bức tranh giao mùa trong bài thơ Sang Thu

Nói đến “màu sắc Nam Bộ”, đó là một đặc trưng, một dấu ấn riêng mà tác giả đưa vào, từ đó tạo nên một thành công riêng, không trùng lặp của tác phẩm.

Nói đến “màu sắc Nam Bộ”, đó là một đặc trưng, một dấu ấn riêng mà tác giả đưa vào, từ đó tạo nên một thành công riêng, không trùng lặp của tác phẩm. Phải chăng một trong những lý do làm nên nét riêng biệt trong văn phong của Nguyễn Thi là do sự gắn bó trong đời sống của tác giả hay không? Chính sự hiểu biết, tiếp xúc từ sớm với đời sống của người dân miền Nam mà từ đó đã tạo nên những câu chữ mang giai điệu, âm hưởng, giọng điệu rất riêng của vùng miền nơi đây. Qua từng nhân vật, từng hình ảnh, hoàn cảnh, bối cảnh của truyện ngắn Những đứa con trong gia đình, người đọc sẽ dễ dàng nhận ra màu sắc Nam Bộ trong đó.

Trước hết là ở không gian nghệ thuật mà nhà văn đã xây dựng nên trong truyện ngắn. Hình ảnh sông nước miền Nam mênh mông với câu hò vang vọng, nơi có rạch, vàm sông, con xuồng,… Mảnh đất miền Tây có thoang thoảng hương cam sau vườn nhà chị em Việt. Đó là tất cả kí ức của Việt. Còn giờ đây, nơi Việt nằm là không gian khác, là một bãi chiến trường với “tiếng dế gáy u u cao vút”, Việt lạc đồng đội. “Bóng đêm vắng lặng và lạnh lẽo bao tròn lấy Việt, kéo theo đến cả con ma cụt đầu vẫn ngồi trên cây xoài mồ côi và thằng chỏng thụt lưỡi hay nhảy nhót trong những đêm mưa ngoài vàm sông”. Cái vẻ đẹp trữ tình ấy đang bị tàn phá bởi chiến tranh, những con người lành tính, chất phác của Nam Bộ vào thời khắc ấy phải đứng lên đấu tranh cho tự do của mình. Thời gian lịch sử, không gian miền Nam đều được Nguyễn Thi ghi lại trong từng câu văn, dù là trữ tình hay hiện thực tàn khốc thì đều là quá khứ mang màu sắc riêng của Nam Bộ. Đâu chỉ có thiên nhiên, cảnh vật mà mỗi nhân vật đều có tính cách đặc trưng của con người nơi đây. Họ là những người Nam Bộ hiền hòa nhưng cũng rất yêu quê hương, Tổ quốc, thẳng thắn và có lòng căm thù giặc sâu sắc. Như ba Việt bị giặc chém đầu, má Việt cũng mất nhưng họ vẫn sắc son tình yêu dành cho quê hương. Chú Năm cũng từng là chiến sĩ tham gia chiến đấu nhưng bị thương nặng phải về quê hương làm nghề sông nước. Nhưng cách mà Nguyễn Thi nhắc đến chú Năm người đọc sẽ dễ dàng thấy cái tình yêu nồng nàn của con người này dành cho cách mạng. Chú ghi lại sổ trong quyển sổ gia đình về từng việc ra đi cứu nước của hai chị em Chiến, Việt. Trong cái ngày cúng cơm má Việt, giọng hò của nó vang vọng “cất lên như một hiệu lệnh dưới nắng chói chang, rồi kéo dài, từng tiếng một vỡ ra, nhắn nhủ, tha thiết, cuối cùng ngắt lại như một lời thề dữ dội”. Rồi Việt, rồi Chiến hai người con của “dòng sông” có cội nguồn chiến đấu vì quê hương, đất nước cũng tiếp bước ba má đi trả thù giặc. “Mối thù thằng Mĩ thì có thể rờ được, vì nó đang đè nặng ở trên vai”. Những thế hệ trẻ nhưng giàu lòng yêu nước, một tình yêu thương dạt dào, sâu sắc như bản chất vốn có của người Nam Bộ: “Ra đi chỉ một lời thề – Nếu chưa hết giặc chưa về quê hương”

Đề tài mà nhà văn chọn viết cũng mang đậm tính chất lịch sử của miền Nam lúc bấy giờ. Thời buổi loạn lạc, những người dân đứng lên đi ghi tên ở buổi tòng quân cho thấy màu sắc Nam Bộ rất rõ. “Trong đêm mít tinh để ghi tên thanh niên tòng quân, trước mặt bà con cả xã, đèn sáng rực” cũng như cái ý chí quyết tâm của từng người dân lúc bấy giờ. Không chỉ riêng gì thanh niên mà có cả một thế hệ, một gia đình ra đi giết giặc giành lại độc lập, tự do. Phải chăng đó chính là cái lòng yêu nước nồng nàn của con người nơi đây. Từng trang văn nóng hổi chất hiện thực và tính thời sự về không khí, về chiến trường miền Nam đều được Nguyễn Thi nhắc đến và miêu tả chân thực. “Một loạt đạn súng lớn văng vẳng dội đến ầm ĩ trên ngọn cây. Súng lớn và súng nhỏ quyện vào nhau như tiếng mõ và tiếng trống đình đánh dậy trời dậy đất hồi Đồng khởi”. “Phía đó là sự sống. Tiếng súng đã đem lại sự sống cho đêm vắng lặng”. Hình ảnh Việt bị thương nhưng vẫn giữ chặt tay súng cho thấy ý chí quyết tâm chiến đấu của những người dân lúc bấy giờ ra sao.

Nếu chỉ có nội dung thì đâu làm nên cái hay của tác phẩm, còn có nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ đậm chất Nam Bộ. Từng dòng văn mà Nguyễn Thi mang đến cho người đọc quá rõ nét. Ngữ điệu ấy, hình ảnh ấy đến cái cách xưng hô, cách nói chuyện hằng ngày của nhân vật đều mang cái riêng của con người nơi đây. Lời văn giàu tính tạo hình, gợi cảm, chân thật, thấm thía đã góp phần làm nên tính cách riêng biệt của mỗi nhân vật trong tác phẩm.

Tóm lại, việc mượn màu sắc, chất liệu của người dân Nam Bộ và hiện thực lúc bấy giờ đưa vào văn học là một thành công của Nguyễn Thi.Đồng thời làm sáng lên chủ đề của tác phẩm: tư tưởng mang đậm chất dân tộc trong chiến đấu. Hòa vào sự hiểu biết, gắn bó sâu sắc của nhà văn với cuộc sống nơi đây đã tạo nên sức hút rất riêng, xứng đáng là “Nhà văn của người nông dân Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước”.  

Viết bởi Thể Hồng

Nguồn: https://www.reader.com.vn/mau-sac-nam-bo-trong-tac-pham-nhung-dua-con-trong-gia-dinh-a288.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *