Bạn đang xem bài viết Review sách Những Ngày Vỡ Đôi – Xanh Lam được Vinabooks.vn tổng hợp sưu tầm từ trang Reader.com.vn các bạn hãy truy cập trang để mua sách ủng hộ đội ngũ có thêm kinh phí ra những bài viết hay hơn nhé.
Trong cuộc sống hối hả hiện nay, có lẽ những khung bậc cảm xúc, những hỉ nộ ái ố cũng chỉ là những thứ phù du đối với con người. Nhưng tôi vẫn tin đó chưa là tất cả, chắc chắn ở một nơi nào đó vẫn có những con người sống chậm, sống cùng những cảm xúc một cách ý nghĩa nhất, họ có những tâm sự, có những nỗi buồn không tên. Có người cất riêng một góc, có người trải lòng mình với bạn thân, người thương, hay người lạ… Cũng có người chọn cách viết lại những nỗi buồn mà mình chắt chiu qua từng năm tháng, chọn lọc những phần đẹp nhất, lấp lánh nhất, cô đọng lại thành từng con chữ, từng trang giấy. Đối với họ, những nỗi niềm đó sau một quãng thời gian cất giấu kỹ càng thì cũng đã đến lúc để cho “những ngày vỡ đôi” thay họ bộc lộ ra tất cả.
- Review Sách Yêu Những Điều Không Hoàn Hảo
- Top 5 cuốn sách hay nên đọc lúc chán nản và bế tắc
- Review sách Một Khẽ Chạm Tay – Lâm Moon
“Những ngày vỡ đôi” là một cái tên không hẳn là ủy mị, không hẳn là đau lòng nhưng vẫn đọng lại trong lòng độc giả một xúc cảm nào đó khó nói thành lời. Mỗi một trang sách, mỗi một câu chuyện đều chất chứa một nỗi buồn riêng. Nó miên man, trải dài, sâu lắng và cũng thật thầm lặng. Bạn sẽ thấy mình ở đâu đó trên từng con chữ, hẳn bạn sẽ đi lạc trên một trang giấy nào đó chất chứa một nỗi buồn mà bạn đã cất giấu từ lâu. Rồi bạn sẽ ngỡ ngàng mà thốt rằng “Hóa ra mình không một mình, hóa ra không chỉ mình nghĩ vậy”.
“Những ngày vỡ đôi” không bị gò bó trong một khuôn khổ đầy u sầu, không bị giới hạn bởi một góc nhìn hạn hẹp. Cũng như những đầu sách khác của Xanh Lam, “những ngày vỡ đôi” cũng có những góc nhìn độc đáo, những cảm giác nhạy cảm tinh tế, được gom nhặt lại rồi trở thành những câu chuyện rất riêng từ mỗi một cây bút khác nhau.
Nội dung của cuốn sách là nét vẽ chấm phá tâm hồn của người trẻ với những nỗi buồn phảng phất, thành công khai thác được “nhịp chảy” của ngôn từ và khả năng “thu nhỏ thế giới” của những con chữ, của thể loại tản văn nhẹ nhàng. Từ đó cho thấy những thế hệ trẻ có những nỗi buồn tồn tại ở trong lòng luôn tràn đầy và lấp lánh. Là những tâm tư dồn nén chẳng thể nói thành lời.
Có những nỗi buồn nằm lại ở quá khứ, ngủ yên ở một góc lòng chỉ thi thoảng làm ta nhói đau đôi chút. Nhưng cũng có những nỗi đau, những ký ức, những dằn vặt đi theo ta mãi đến hôm nay. Trong “Không có mẹ nơi thiên đường” của Đông Tàn có một cô bé vô tư mừng rỡ đi khoe khắp xóm làng rằng: “Em con chết rồi, con không cần phải ra rìa nữa đâu”. Để rồi khi cô đã trưởng thành, thật sự trưởng thành, cô vẫn không thể tha thứ cho sự ích kỷ trẻ con của mình ngày ấy. Nỗi cô độc, nỗi đau mất đi em gái vẫn đeo bám cô, chưa hề nguôi ngoai. Nỗi đau ấy bỗng một ngày thốt thành câu hỏi: “Thiên đường nhưng không có mẹ thì có thể gọi là thiên đường không?”. Và cô dường như đã luôn hy vọng, hy vọng em gái của mình sẽ được hạnh phúc, những đứa trẻ nơi thiên đường không có mẹ cũng sẽ hạnh phúc, một hạnh phúc thực sự.
Và nếu thiên đường không có mẹ không phải là thiên đường thì “Trạm chờ xe” lại là “nơi có má đứng đợi”. Có những nỗi nhớ trải dài theo năm tháng. “Trạm chờ xe luôn gắn với những chuyến đi xa, gắn với má và gắn với những nỗi nhớ” ta đi xa rồi mang theo những nỗi nhớ đong đầy và má bao năm qua vẫn đợi những đứa con quay trở về nhà. Nhưng “Những đứa con, bằng cách nào đó luôn vô tình cứa vào lòng má những lo lắng không tên.” “Trạm chờ xe đông đúc với nhiều thứ, bộn bề bởi nhiều điều. Nhưng má luôn ở đó, mặc kệ nắng mưa, luôn chờ những đứa con quay về.” Rồi cuộc sống hối hả kéo những ngày trở về của đứa con ngày một thưa dần. Má thôi đứng đợi trạm chờ xe, thay vào đó là bắt những chuyến xe đến thăm con. Chỉ là, vào một ngày má không đi được nữa. Chỉ là những lần về nhà sau đó, chẳng có má đợi ở trạm chờ.
“Trong những chuyến đi xa, mãi sau này mới hiểu. Má mới là trạm chờ cuối cùng chào đón tôi. Cũng là trạm cuối mà tôi luôn mong ngóng nhanh được về.”
“Những ngày vỡ đôi” đâu chỉ có tản văn mà còn có những vần thơ nói hộ nỗi lòng của những tác giả “Đi qua miền nhớ”. Là hình ảnh một chàng trai chìm đắm trong nỗi buồn khi “Bên đời mình thiếu bóng một người quen”. Là khoảnh khắc thành phố thân quen chợt u sầu đến lạ nên “rưng rức cơn mưa vừa rụng”. Là khi câu “tạm biệt” được nói ra để rồi “ta lạc lối, lạc bàn tay nhau mãi”, “lạc nhau giữa ngã tư đường”… hay đúng hơn là từ câu “tạm biệt” ngày ấy khiến “chúng ta là người quen cũ mà thôi.”
Dẫu là cung bậc cảm xúc nào thì những bài thơ luôn nâng niu một tấm chân tình, một tình cảm chân thành từ tận đáy con tim, ôm ấp buồn thương, vỗ về những bình yên nỗi nhớ. Biết bao nhiêu nỗi buồn tràn đầy và lấp lánh được chắt lọc từ hơn 3.000 bài dự thi. Đó là 3.000 nỗi buồn khác nhau và “những ngày vỡ đôi” muốn mang đến những nỗi buồn thật đẹp, thật đời cũng như thật chill.
Review bởi Khủng Long
Nguồn: https://www.reader.com.vn/review-sach-nhung-ngay-vo-doi-xanh-lam-a300.html