Đất nước – Dáng hình của nhân dân

Đất nước – Dáng hình của nhân dân

Bạn đang xem bài viết Đất nước – Dáng hình của nhân dân được Vinabooks.vn tổng hợp sưu tầm từ trang Reader.com.vn các bạn hãy truy cập trang để mua sách ủng hộ đội ngũ có thêm kinh phí ra những bài viết hay hơn nhé.

Văn học những năm 1945 – 1975 mang đấm tính sử thi cách mạng, khi các nhà thơ tạm thời gác đi cái tôi cá nhân rạo rực, lãng mạn của thời kì phong trào thơ mới, để thực hiện sứ mạng lịch sử của mình với dân tộc và đất nước. Đây là thời kí mà hình tượng người chiến sĩ, đất nước trở thành trung tâm của văn học Việt Nam. Đất nước là cội nguồn của văn học, là cái nôi nuôi dưỡng bao thế hệ. Viết về đất nước, Nguyễn Khoa Điềm là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất, khi hình ảnh tổ quốc được truyền tải trọn vẹn, mang màu sắc rất khác lạ – màu sắc, dáng hình của nhân dân. Bài thơ “Đất nước” đã thể hiện rất rõ điều đó.

  • Chiếc lá cuối cùng – Khi nghệ thuật là vị con người
  • Những cuốn sách hay nhất mọi thời đại nên đọc
  • Sống với lòng biết ơn để cuộc đời luôn đong đầy ý nghĩa

Đất nước – Dáng hình của nhân dân

Đất nước nhìn từ chiều sâu văn hóa, lịch sử

Đất nước ta hàng ngàn năm văn hiến, đã cùng dòng chảy của thời gian đi rất dài về miền tương lai:

“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể.

Những câu thơ diễn tả sự ra đời của đất nước song lại mơ hồ. Bởi không ai biết đất nước có tự bao giờ, cũng không ai để ý đến lịch sử phát triển của đất nước. Mà âm thầm vào trong những câu chuyện cổ tích của mẹ, nhưng câu hò của cha. Qua câu thơ, Nguyễn Khoa Điềm muốn khẳng định đất nước đã ăn sâu vào trong máu thịt của người dân. Điều này được thể hiện qua những câu thơ tiếp theo:

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Đất nước nhìn từ chiều sâu văn hóa, nhà thơ kiếm tìm hình ảnh Tổ quốc qua những sự vật vô cùng bé nhỏ. Đó là tục ăn trầu của nhân dân ta, người xưa có câu:

Hai tay xách nước tưới trầu
Trầu bao nhiêu lá dạ sầu bấy nhiêu

Trầu cau là nét đẹp truyền thống của nhân dân ta, thể hiện tấm lòng sắc son một lòng, đất nước đã bắt đầu hình thành từ những phong tục đó.  Những tập tục bới tóc, truyền thống trọng tình nghĩa qua con mắt của nhà thơ cũng mang dáng hình đất nước. Nhà thơ không quên những cây tre – đại diện cho tính cách trung thực, kiên cường bất khuất của người Việt Nam. Hình ảnh dân ta trồng tre đánh giặc không chỉ được lặp lại 1 lần mà còn xuyên suốt 90 câu thơ hình ảnh này được lặp lại tới ba lần, đó là biểu tượng cho truyền thống yêu nước, đánh giặc giữ nước của nhân dân Việt Nam. Có thể thấy, từ bao đời nay, từ truyền thuyết dân gian đến tác phẩm thơ hiện đại, cây tre trở thành biểu tượng cho sức mạnh tinh thần quật cường đánh giặc cứu nước và giữ nước, biểu tượng phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Nguyễn Duy từng có những câu thơ:

Tre xanh xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh
Thân gầy guộc lá mong manh
Mà sao nên lũy nên thành tre ơi!

Những câu thơ trên muốn nhắc nhở về phẩm chất tốt đẹp của người dân Việt Nam. 

Đất nước đọng lại trong những hạt gạo “ một nắng hai sương”, tồn tại trong những cái tên giản dị, văn hóa và lịch sử chứng kiến sự ra đời của Tổ quốc, giản dị mà thiêng liêng, đẹp đẽ mà trân quý. Những truyền thống tốt đẹp của nhân dân đều được  nhà thơ trân quý, khắc lên trên đó dáng hình của tổ quốc, đối với nhà thơ, đất nước không cao sang, không xa lạ mà tồn tại ngay trong những văn hóa tốt đẹp của người Việt.

Đất nước nhìn từ phương diện địa lý

Đất nước nhìn từ phương diện địa lý

Để đưa ra những kiến giải độc đáo về chiều sâu của phương diện lãnh thổ – địa lý, tác giả đã liệt kê những danh lam thắng cảnh xuyên suốt chiều dài địa lý từ Bắc chí Nam trong sự gắn bó với những huyền thoại thuộc nền văn hóa, văn học dân gian. Đó là núi Vọng Phu, hòn Trống Mái, núi Bút, non Nghiên, Ông Đốc, ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm,… Và mỗi một địa danh không chỉ là những danh lam thắng cảnh đẹp đẽ mà còn là hình ảnh tượng trưng, mang ẩn dụ cho vẻ đẹp tâm hồn của người dân, con người Việt Nam

“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất tổ Hùng Vương

Đất nước tồn tại trong những cảnh vật của thiên nhiên đất nước. Nhà thơ mượn những sự tích về những danh lam thắng cảnh để khẳng định tư tưởng đất nước của nhân dân. Với mỗi địa danh, tác giả lại gửi gắm một vẻ đẹp phẩm chất con người Việt Nam, đó là tình nghĩa, yêu thương giữa vợ chồng. Người xưa có câu:

Tay bưng chén muối đĩa gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau

Đây là một truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Không chỉ vậy, nhà thơ còn nhắc đến những địa danh gắn liền với những sự kiện hào hùng của dân tộc. Hình tượng Thánh gióng là anh hùng của dân tộc, bảo vệ đất nước khỏi hiểm nguy, hay nói cách khác, là ẩn dụ cho truyền thống yêu nước, khát vọng bảo vệ chủ quyền không phai mờ qua bao thế hệ.  Đó còn là những địa danh – di tích lịch sử trên “quê cha đất tổ” chứng kiến quá trình dựng nước của các vua Hùng. Đó là tinh thần hiếu học cùng sự ham học hỏi được tiếp nối không ngừng của con người Việt Nam qua những núi Bút, non Nghiên. Hay những danh lam thắng cảnh xứng tầm kì quan thiên nhiên thế giới được kiến tạo từ những hình ảnh mang tính bình dị, thân thuộc như con gà, con cóc,… Như vậy, đất nước có trong từng địa danh.

Tư tưởng đất nước của nhân dân

Tư tưởng đất nước của nhân dân như sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm, một nỗi lòng lớn, một tâm hồn cao cả khi ông cho rằng, đất nước do nhân dân tạo nên. Người xưa khi nhắc đến đất nước thường nhắc đến thiên nhiên trù phú, những vị vua đứng đầu, mà không thường nhắc đến những người dân – chủ nhân thật sự của đất nước:

“Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước.”

Nhà thơ không nhắc tới những anh hùng, những vị vua, vị thần, mà là những người không tên không tuổi, không ai nhớ họ là ai – những người dân nhỏ bé, người lao động cần cù đã làm nên dáng hình của đất nước. Cả một bài thơ là một bầu trời tự hào về truyền thống dân tốc, sự trân quý của nhà thơ đối với văn hóa và lịch sử của đất nước. Là tiếng hát trong trẻo nhất về đất nước 4000 năm văn hiến, ngập tràn chất nhạc và họa. “Đất nước” đã phân tích rất sâu tư tưởng nhân dân, như Chế Lan Viên từng viết:

Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai chim én gặp mùa
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương

Nhân dân chính là cội nguồn của cách mạng và thi ca muôn thuở.

Đất nước xứng đáng là bản trường ca bất tận về vẻ đẹp của nhân dân, nơi nhân dân được đưa lên tư thế làm chủ, sáng ngời muôn đời. Nhà thơ đã định hướng lại tư tưởng cho người đọc về hình tượng Đất nước – giản dị nhưng thiêng liêng.

Thảo Nguyên

Nguồn: https://www.reader.com.vn/dat-nuoc-dang-hinh-cua-nhan-dan-a263.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *