Khi ta giận, khi một ai đó làm cho ta giận, ta phải trở về với thân tâm và chăm sóc cơn giận của mình. Không nên nói gì hết. Không nên làm gì hết. Khi đang giận mà nói năng hay hành động thì chỉ gây thêm đổ vỡ mà thôi… Như thế là không khôn ngoan. Phải trở về dập tắt lửa trước đã… Giận là một cuốn sách hay của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, nó mở ra cho ta những khả năng kỳ diệu, nhưng lại rất dễ thực hành để ta tự mình từng bước… thoát khỏi cơn giận và sống đẹp với xã hội quanh mình.
Giận được xuất bản tại Hoa Kỳ ngày 10.9.2001, trước biến cố 11.9.2001 có một ngày. Vì thế Giận đã trở thành quyển sách bán chạy nhất Hoa Kỳ – 50.000 bản mỗi tuần – trong vòng 9 tháng… Tại Hàn Quốc, quyển sách này đã bán được 1 triệu bản trong vòng 11 tháng. Rất nhiều độc giả nhờ đọc sách này mà đã điều phục được tâm mình, sử dụng ái ngữ lắng nghe để hoà giải với người thân, đem lại hạnh phúc trong gia đình và trong cộng đồng của họ.
Giận – sách hay nên đọc để chuyển hóa sân hận thành năng lượng tích cực
Theo ý của Thiền sư, sân hận không phải cơn cảm xúc để chế ngự, và nhất định không phải kẻ thù chúng ta cần phải tuyên chiến. Ngược lại, nó phải được chấp nhận một cách hiền hòa, cần được mỗi người chăm sóc. Qua sách, tác giả giải thích cho người đọc cách làm thế nào để có thể vượt qua những cảm xúc có thể làm nhiều người đau đớn, khổ sở. Ngoài ra, góc nhìn của Thích Nhất Hạnh, trong một nghĩa nào đó, mang màu sắc tâm lý, triết học khi giúp người đọc nhận ra những cơn giận của họ ở tầm ý nghĩa rộng lớn, vừa tích cực vừa tiêu cực trong bối cảnh cuộc sống của con người nói chung.
Thích Nhất Hạnh quan niệm rằng sự khác nhau giữa người và người về cơ bản là ảo tưởng và sân hận khiến cho nó có tác động nghiêm trọng hơn. Tôi càng giận người khác thì tôi (từ góc nhìn Phật giáo) càng quên đi người đó giống tôi thế nào – bỏ qua là người đó, trong một nghĩa nào đó, chính là “tôi”. Kẻ thù tạm thời (cũng có thể về dài hạn) có vẻ khác tôi hoàn toàn: là nguyên nhân cho cảm giác khó chịu của tôi, là người thao túng, hạnh hạ, bóc lột tôi, hơn nữa là người xứng đáng để bị trừng phạt vì những hành động hằn học của mình… Còn thực tế, kẻ đó thường giống tôi, vừa giận vừa đau khổ như tôi. Tôi càng công nhận điều đó, thông cảm cho người đó, chăm sóc và chuyển hóa cơn giận của người đó lẫn cơn giận của tôi thì khả năng xung đột sẽ chấm dứt, sự kết nối giữa cả hai sẽ cao hơn…
Tác giả: Thích Nhất Hạnh (tên khai sinh Nguyễn Xuân Bảo, sinh ngày 11 tháng 10 năm 1926) là một thiền sư, giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội, và người vận động cho hòa bình người Việt Nam.
Ông sinh ra ở Thừa Thiên-Huế, miền Trung Việt Nam, xuất gia theo Thiền tông vào năm 16 tuổi, trở thành một nhà sư vào năm 1949. Ông là người đưa ra khái niệm “Phật giáo dấn thân” (engaged Buddhism) trong cuốn sách Vietnam: Lotus in a Sea of Fire.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết hơn 100 cuốn sách, trong số đó hơn 40 cuốn bằng tiếng Anh. Ông là người vận động cho phong trào hòa bình, với các giải pháp không bạo lực cho các mâu thuẫn.
Một số tác phẩm của ông: Con sư tử vàng của thầy Pháp Tạng – Nẻo về của ý – Am mây ngủ – Văn Lang dị sử – Đường xưa mây trắng – Truyện Kiều văn xuôi – Thả một bè lau – Bông hồng cài áo – Đạo Phật ngày nay – Nói với tuổi hai mươi – Trái tim của Bụt…