Bạn đang xem bài viết Ý nghĩa Truyện ngụ ngôn Con cáo và chùm nho được Vinabooks.vn tổng hợp sưu tầm từ trang Reader.com.vn các bạn hãy truy cập trang để mua sách ủng hộ đội ngũ có thêm kinh phí ra những bài viết hay hơn nhé.
Truyện ngụ ngôn cũng là một thể loại văn học, được viết theo hình thức văn xuôi tương đối ngắn. Cốt truyện tuy ngắn, hàm xúc nhưng lại mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc hoặc lên án về một thực tế, về những tật xấu của con người. Và truyện ngụ ngôn “Con cáo và chùm nho” cũng là một trong những truyện ngụ ngôn nổi tiếng. Đây là một truyện ngụ ngôn nổi tiếng của Aesop, khuyên người ta nên biết từ bỏ những thứ không thuộc về mình cho dù cố gắng đến mấy để đạt được.
1. Vài nét về truyện “Con cáo và chùm nho”
Một ngày nọ, Cáo ta xuống triền núi và phát hiện ra ở phía trước co một vườn nho. Dưới tán lá xanh ấy, từng chùm nho căng tròn mọng nước, dưới ánh sáng mặt trời trông lại càng hấp dẫn hơn bao giờ hết, những chùm nho ấy khiến người ta phải thèm thuồng khi nhìn chúng. Cáo cũng không ngoại lệ, Cáo thèm tới mức nước bọt cứ trào ra hai bên mép miệng. Cáo ta đã cẩn thận nhìn trước rồi lại ngó sau thấy chẳng có ai ở đấy, nho lại nhiều như thế này, nên muốn chén ngay mấy chùm liền vào bụng.
Nghĩ thế nên Cáo hí hửng đứng thẳng người, vươn tay ra hái nho. Nhưng ngặt nỗi giàn nho quá cao, Cáo dù đã cố gắng vươn người thật dài ra nhưng vẫn không thể với tới được chùm nho, cáo cứ vươn người mãi mà chẳng thể cao lên được chút nào. Loay hoay mãi Cáo mới nghĩ ra một cách khác, Cáo chắc chắn lần này sẽ thành công và thử nhảy lên xem sao nhưng cố lắm cũng chỉ chạm tới được lá nho mà thôi.
Nhìn những chùm nho mọng nước kia làm Cáo lại càng không đành lòng rời khỏi đó khi chưa chén được một quả nào, thế là nó đi lượn lờ vòng quanh vườn mấy lần, cuối cùng nó cũng phát hiện ra một cây nho khá thấp gần đó. Cáo ta lại gắng sức bật nhảy thật cao lên, nhưng không với tới được chùm nho, lại gắng sức nhảy lên một lần nữa, vẫn không thể chạm tới được quả nho nào. Không bỏ cuộc ở đó, Cáo ta lại lượn xung quanh giàn nho rồi quan sát hết chùm này đến chùm khác. May thay, nó lại phát hiện ra một chùm nho còn thấp hơn chùm nho lúc nãy. Thích thú quá khi tìm ra được mồi mới, Cáo ta đã tự đắc mà nghĩ thầm: “Không có việc gì có thể làm khó ta được, ha ha!”.
Nước dãi trong cổ họng cứ trào ra mãi vì sự thèm thuồng, lùi lại mấy bước để lấy đà nhảy cho thật cao, Cáo nhảy cao lên, nhưng thật đáng tiếc, nhảy mãi vẫn chẳng thể với tới được chùm nho ấy dù nó đã là chùm nho thấp nhất. Nhảy lên nhảy xuống mãi Cáo ta vẫn không thể hái được chùm nho ấy. Cáo mới thở đánh thượt một cái rồi nói: “Làm sao mà mình lại cứ phải cố ăn mấy cái chùm nho này nhỉ? Vỏ thì xanh thế, chắc chắn là chưa chín rồi. Không biết chừng còn vừa chua vừa chát, không nuốt được, có khi còn phải nhổ ra, đúng là chả ra làm sao cả”. Nói xong Cáo tiếc nuối nhìn lại những chùm nho ngon lành kia và buồn bã rời khỏi vườn nho, lời nói thầm đó coi như tự an ủi bản thân dù đã cố nhưng không hái được nho.
2. Ý nghĩa của truyện ngụ ngôn “Con cáo và chùm nho”
Một câu chuyện có nội dung tuy ngắn nhưng rất hay và đặc sắc, thông qua tiếng cười trào phúng để gửi gắm những tư tưởng nhân văn sâu sắc. Con Cáo đã không thể hái được chùm nho kia nên đã tự nhủ mình rằng nho còn xanh lắm để biện hộ cho việc không thể hái được chùm nho của mình là do tác động của ngoại cảnh, là do không đáng để hái. Lời biện hộ đó được coi như Cáo đang tạo ra phủ nhận giả tạo bằng cách tự tưởng tượng ra hàng trăm lí do cho sự thất bại của bản thân, để biện hộ cho sự yếu kém của mình khi không thể hái được nho.
Đa số chúng ta khi đọc truyện ngụ ngôn này sẽ chê cười chú cáo kia năng lực giới hạn, không thể có được nhưng đành lấy cớ, tự dối lòng mình. Nhưng sẽ có người cảm thấy bản thân họ như con cáo kia vậy, khi không làm được một việc gì đó thì lại không dám chấp nhận sự thật là mình kém cõi. Một số người lại còn tỏ ra chê bai, khinh miệt cái mà họ rất mong muốn nhưng lại không đạt được. Thực tế, chỉ vì khả năng của mình có giới hạn không thể có được nhưng đành viện cớ, tự dối lòng mình để biện minh rằng mình không hề yếu kém. Mặt khác, câu chuyện cũng khuyên người ta nên biết từ bỏ những thứ vốn không thuộc về mình dù có cố gắng đến mấy cũng chẳng thể đạt được.
3. Một số bản dịch khác của truyện ngụ ngôn Cao cáo và chùm nho
– Chó sói và giàn nho (Nguyễn Văn Vĩnh):
Chó Sói kia ở nơi rừng ấy
Đương đói lòng lại thấy giàn nho!
Mấy chùm vừa chín vừa to
Nước da đỏ thắm, thơm tho ngọt ngào.
Cậu Sói cũng ước ao được bữa
Nhưng giàn cao không với đến nơi
Chê bai Sói lại được lời: – Nho xanh chẳng xứng miệng người phong lưu.
– Cáo và các quả nho (Đỗ Khắc Siêm, Hà Khắc Nguyện):
Chú Cáo nọ mấy ngày đói lả
Gặp dàn nho trĩu quả đỏ tươi
Ngắn tay với chẳng tới nơi
Rằng: “Xanh chỉ để tụi bồi bếp ăn!”
– Con cáo và chùm nho (Nguyễn Đình):
Cáo kia dù trắng hay đen
Vẫn phường khoác lác vẫn tên bịp đời.
Đói meo tưởng chết tới nơi
Giàn cao trông thấy nho tươi ngon lành.
Nho chín mọng phơi mình đỏ chót
Gã phong lưu nước bọt chảy dài.
Không với tới, gã chê bai:
– Nho xanh chỉ xứng miệng loài phàm phu!
Than phiền phỏng ích hơn ru?
Truyện “Con cáo và chùm nho” đã lên án lối tạo phủ nhận giả tạo, không chịu thừa nhận sự yếu kém, chỉ biết đổ lỗi sự thất bại của mình cho những lý do khác. Bên cạnh đó, truyện cũng phê phán thói biện minh của con người không bao giờ chịu nhận mình sai, nếu đạt được thành quả tốt thì tung hô bản thân còn không đạt được thì do hoàn cảnh mà ra. Người đọc còn nhận ra rằng nên từ bỏ những thứ không thuộc về mình, khi đã cố gắng nhưng vẫn không đạt được thì nên chấp nhận từ bỏ.
Xem thêm:
- Những câu chuyện cổ tích hay ý nghĩa về loài vật dành cho bé
- Ý nghĩa và bài học rút ra từ câu chuyện cậu bé Tích Chu
Nguồn: https://www.reader.com.vn/y-nghia-truyen-ngu-ngon-con-cao-va-chum-nho-a599.html