Văn học cách mạng – Thời kỳ của một nền văn học vị con người

Văn học cách mạng – Thời kỳ của một nền văn học vị con người

Bạn đang xem bài viết Văn học cách mạng – Thời kỳ của một nền văn học vị con người được Vinabooks.vn tổng hợp sưu tầm từ trang Reader.com.vn các bạn hãy truy cập trang để mua sách ủng hộ đội ngũ có thêm kinh phí ra những bài viết hay hơn nhé.

Văn học ở mỗi thời đại khác nhau lại mang những chức năng khác nhau, phù hợp với thời đại lúc nó ra đời. Văn học không thể tách biệt khỏi cuộc sống nơi nó đã được thai nghén. Không một nhà văn nào có thể tách mình ra khỏi hơi thở của thời đại. Nam Cao sau cách mạng tháng 8 đã có quan điểm: “Sống đã rồi hãy viết, hãy hòa mình vào cuộc sống vĩ đại của nhân dân”. Đây là thời kì văn học vượt ra khỏi cái tôi nhỏ bé để hòa mình vào cái ta rộng lớn, ấy là nhân dân, cuộc chiến anh hùng của dân tộc. Văn học có nhiệm vụ trở thành một vũ khí chống lại kẻ thù xâm lược, vì vậy không quá để cho rằng văn học cách mạng là thời kì của một nền văn học vị con người.

  • Không gian và thời gian nghệ thuật trong ca dao
  • Những bài thơ hay nhất của phong trào thơ mới
  • Các tác giả tác phẩm nổi bật trong phong trào thơ mới

Văn học cách mạng – Thời kỳ của một nền văn học vị con người

Lịch sử ra đời

Văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến năm 1975 là nền văn học của chế độ mới, đường lối văn nghệ thời kỳ này mang khuynh hướng nhà văn – chiến sĩ. Đây là giai đoạn có nhiều sự kiện lịch sử lớn của dân tộc, tiêu biểu là cách mạng tháng 8, sự kiện có sự tác động mạnh mẽ đến nhận thức và quan điểm của những nhà văn giai đoạn này. Họ không còn rơi vào tâm trạng “ bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước”, mà đã tìm được hướng giải thoát cho bản thân mình. Đó là con đường đấu tranh cách mạng và giải phóng dân tộc. Trước 1945, ảnh hưởng của những tổ chức đảng tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau, tác động vào tư tưởng của những nhà văn, cách mạng liên tiếp thất bại, bị đàn áp dữ dội, chưa tìm được hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên thành công của cách mạng tháng 8 đã thổi một làn gió mới, văn học thời kì này có chức năng mới, đó là phục vụ cách mạng, đòi hỏi sự chuyển hướng của các nhà văn. Văn học hiện thực và văn học lãng mạn bước vào giai đoạn thoái trào, nhường chỗ cho sự ra đời của văn học cách mạng.

Có thể chia văn học cách mạng thành các thời kì sau:

* Chặng đường từ năm 1945 đến năm 1954

Văn học giai đoạn từ năm 1945 – 1954 phản ánh không khí hồ hởi, vui sướng của dân tộc khi đất nước giành được độc lập và cuộc kháng chiến chống Pháp, gắn bó sâu sắc với đời sống cách mạng và kháng chiến. Văn học giai đoạn này tập trung khám phá sức mạnh và những  phẩm chất tốt đẹp của quần chúng nhân dân. Thể hiện niềm tự hào dân tộc và niềm tin vào tương lai tất thắng của cuộc kháng chiến.

* Chặng đường từ năm 1955 đến năm 1964

Giai đoạn từ năm 1955 – 1964 là chặng đường văn học xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước. Đây là giai đoạn văn học ca ngợi công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa tại miền Bắc, với niềm hứng khởi và hăng say lao động. Ca ngợi cuộc sống mới, niềm vui mới với mong muốn về một tương lai tốt đẹp.

* Chặng đường từ năm 1965 đến năm 1975

Văn học giai đoạn từ năm 1965 – 1975 tập trung vào chủ đề ca ngợi tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Trong giai đoạn từ 1945 đến 1975, cần lưu ý tới văn học vùng địch tạm chiếm, trong đó có nhiều xu hướng như chống cộng, đồi truỵ, tiến bộ, yêu nước và cách mạng. Đặc biệt, những tác phẩm viết về miền Nam Việt Nam với những nét văn hóa đặc sắc, cũng như tinh thần chống giặc của người dân nơi đây trở thành hình tượng trung tâm của tác phẩm văn học.

Các đặc trưng của văn học cách mạng 

* Chủ đề

Văn học vận động theo hướng cách mạng hoá, gắn bó sâu sắc với vận mệnh chung của đất nước. Nhà văn đồng thời cũng là một chiến sĩ, tác phẩm văn học trở thành vũ khí đắc lực góp phần cổ vũ cuộc cách mạng của nhân dân. Quá trình vận động, phát triển của nền văn học mới ăn nhịp với từng chặng đường của lịch sử dân tộc: Ca ngợi Cách mạng và cuộc sống mới (1945-1946); cổ vũ kháng chiến, théo sát từng chiến dịch, biểu dương các chiến công, phục vụ cải cách ruộng đất (1946-1954); ca ngợi thành tựu khôi phục kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (hợp tác hoá nông nghiệp, công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa); phục vụ cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954-1965); cổ vũ cao trào chống Mỹ cứu nước của toàn dân tộc (1964-1975).

Chủ đề chính của văn học cách mạng chính là viết về cuộc chiến anh hùng với hình tượng người lính làm trung tâm. Tác phẩm nào cũng có sự xuất hiện của chiến sĩ, bộ đội cụ Hồ mang trong mình những lý tưởng cao đẹp cũng như tinh thần chiến đấu quật cường. Viết nhiều về hiện thực chiến tranh tàn khốc nhưng chỏ thoáng qua, được hình tượng hóa để làm nổi bật lên vẻ đẹp của người lính. Văn học thời kì này không chấp nhận sự bi lụy, thi vị, thứ tình cảm cá nhân mà họ cho rằng là ích kỉ. 

* Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn

Khuynh hướng sử thi đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa lịch sử và có tính chất toàn dân tộc.  Nhân vật chính thường là những con người đại diện cho tinh hoa, khí phách, phẩm chất và ý chí của dân tộc; tiêu biểu cho lý tưởng cộng đồng hơn là lợi ích và khát vọng cá nhân. Con người chủ yếu được khám phá ở lẽ sống lớn và tình cảm lớn. Gọi là khuynh hướng sử thi vì ít nhiều văn học thời kì này có những đặc điểm giống với thể loại sử thi trong văn học dân gian, cùng ca ngợi những anh hùng của dân tộc. Văn học Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975 mang đậm chất sử thi, tập trung phản ánh những vấn đề cơ bản, những sự kiện có ý nghĩa lịch sử, chủ nghĩa yêu nước và anh hùng. Nhân vật trong các tác phẩm là đại diện cho lí tưởng của dân tộc, gắn bó số phận cá nhân với số phận đất nước, thể hiện những phẩm chất cao đẹp của cộng đồng. Giọng văn hòa hùng, nghiêm trang.

Văn học cách mạng còn mang đậm cảm hứng lãng mạn. Đó là phương diện tình cảm, thể hiện qua sự lạc quan yêu đời của người lính. Hiện thực dẫu tàn khốc nhưng với cảm hứng lãng mạn, họ nhìn cuộc đời theo con mắt hoàn toàn khác, đậm chất thơ. Ta có thấy mọi tác phẩm trong thời kì này đều thể hiện niềm tin mãnh liệt đối với cuộc đấu tranh giành nền độc lập của dân tộc. Đây chính là yếu tố giúp văn học thời kì này cân bằng được giữa chất hiện thực và khát vọng của người dân về một kỉ nguyên mới. Thể hiện rõ nhất qua tinh thần lạc quan yêu đời của người lính.

* Nền văn học đại chúng

Đáp ứng lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh, văn học bỏ qua cái tôi cá nhân mà hướng về cái ta rộng lớn. Quan điểm văn nghệ này của Đảng cũng được các nhà văn chấp nhận một cách tự giác. Bởi vì họ là những trí thức yêu nước. Họ không thể không cảm phục nhân dân lao động là lực lượng chủ yếu làm nên cuộc Cánh mạng tháng Tám và sau đó gánh cả cuộc kháng chiến trên đôi vai lực lưỡng của mình. Ca ngợi quần chúng, hòa mình vào cuộc sống của nhân dân, hoặc bằng cách xây dựng hình tượng đám đông sôi động của công nhân, nông dân, bộ đội, dân công… đầy khí thế và sức mạnh. Đặc điểm này được thể hiện rất rõ qua quan điểm thơ của Chế Lan Viên:

Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép

Tâm hồn anh đợi gặp anh trên kia

Các tác giả tác phẩm tiêu biểu

Với hình thức thể hiện phong phú, đa dạng như truyện ngắn, kí, thơ, văn xuôi, kịch, lí luận phê bình… nhưng hầu hết đều các tác phẩm đều thiên về khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Đối với thơ không thể không nhắc tới Tố Hữu, nhà thơ đi đầu trong phong trào cách mạng, được giác ngộ sớm và định hướng đường đi đúng đắn, nổi tiếng với tác phẩm thơ Việt Bắc, Máu và hoa. Ngoài ra còn có Hồ Chí Minh với những tác phẩm phục vụ cách mạng như Rằm tháng giêng, cảnh khuya. Đây là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của thơ ca với những tác phẩm tiêu biểu như: Gió lộng của Tố Hữu; Ánh sáng và phù sa của Chế Lan Viên; Quê Hương của Giang Nam…

Đối với văn xuôi, không thể không nhắc tới những cái tên như Nguyễn Khải với Mùa lạc, Tô Hoài với Vợ chồng A phủ, Kim Lân với Vợ nhặt, những tác phẩm tiêu biểu như Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam, Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng. Người mẹ cầm súng, Đất nước đứng lên, Rừng xà nu, Đất quê ta mênh mông cũng là những tác phẩm xuất sắc của thời kì này.

Văn học cách mạng thật sự là một thời kì vị con người, khi hi sinh những tình cảm cá nhân của mình để nhường chỗ cho tình cảm nhân dân rộng lớn. Thực hiện trọn vẹn chức năng của văn học, ca ngợi lịch sử dân tộc và cuộc chiến anh hùng.

Thảo Nguyên

Nguồn: https://www.reader.com.vn/van-hoc-cach-mang-thoi-ky-cua-mot-nen-van-hoc-vi-con-nguoi-a379.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *