Cảm nhận vẻ đẹp bức tranh giao mùa trong bài thơ Sang Thu

Cảm nhận vẻ đẹp bức tranh giao mùa trong bài thơ Sang Thu

Bạn đang xem bài viết Cảm nhận vẻ đẹp bức tranh giao mùa trong bài thơ Sang Thu được Vinabooks.vn tổng hợp sưu tầm từ trang Reader.com.vn các bạn hãy truy cập trang để mua sách ủng hộ đội ngũ có thêm kinh phí ra những bài viết hay hơn nhé.

Trong bốn mùa của thiên nhiên, thì ai cũng công nhận rằng mùa xuân là mùa đẹp nhất với vẻ tươi mới và sức sống tràn trề đã trở thành nguồn cảm hứng lớn cho thi ca, nhạc họa. Tuy vậy, nhưng mùa thu cũng có những vẻ đẹp riêng của mình để tạo nên nguồn cảm hứng cho những nghệ sĩ tài hoa. Trước đây, có thể kể đến Nguyễn Khuyến với ba bài thơ về mùa thu vô cùng nổi tiếng, nức danh nhất là “Thu điếu”, “Thu ẩm” và “Thu vịnh”, sau này Xuân Diệu có “Đây mùa thu tới”. Nhưng có lẽ để nói về thời điểm giao mùa, vẻ đẹp thuần khiết và bình dị của mùa thu được khắc họa một cách rõ nét và thành công thì có lẽ “Sang thu” của nhà thơ Hữu Thỉnh là nổi bật hơn cả.

Cảm nhận vẻ đẹp bức tranh giao mùa trong bài thơ Sang Thu

Nhà thơ Hữu Thỉnh tên đầy đủ là Nguyễn Hữu Thỉnh, sinh năm một ngàn chín trăm bốn mươi hai, quê ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Năm một ngàn chín trăm sáu mươi ba, Hữu Thỉnh nhập ngũ và bắt đầu sáng tác thơ ca. Hữu Thỉnh là nhà thơ nổi tiếng trưởng thành trong quân đội. Vì thế thơ ông mang đậm hồn quê Việt Nam, dân dã mộc mạc và giàu tinh tế, bài thơ “Sang thu’’ được viết vào mùa thu năm một ngàn chín trăm bảy mươi bảy, in lần đầu trên báo văn nghệ và rút trong tập “Từ chiến hào đến thành phố”. Dưới ngòi bút và cảm nhận của nhà thơ đã giúp cho độc giả cảm nhận được vẻ đẹp e ấp của thiên nhiên lúc giao mùa hạ – thu. “Sang thu” được chia làm ba khổ thơ, thuộc thể thơ năm tiếng và mang trong mình bao cảm nhận của Hữu Thỉnh về cảnh đất trời trong thời khắc giao mùa từ hạ sang thu.

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về

 

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

 

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

Vốn sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Phúc, Hữu Thỉnh không còn lạ lẫm gì với mùa thu đất Bắc. Thế nhưng, khi cảm nhận tín hiệu thu mến yêu, ông cũng không khỏi ngỡ ngàng. Đối với ông, thu đến với những cảm giác mơn man khó tả. Bài thơ mở đầu bằng những cảm nhận, những rung động mập mờ, bâng khuâng của nhà thơ trước vẻ đẹp chuyển đổi của thời khắc thiên nhiên lúc chuyển giao mùa.

“Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về”

Từ “bỗng” ở câu thơ mở đầu thể hiện sự đột ngột, bất chợt khi mùa thu đến, một trạng thái chưa hề được chuẩn bị, như là vô tình, như là sửng sốt, như là cơ duyên hay là một phút ngỡ ngàng để từ đây nhà thơ có thể quan sát kỹ sự xuất hiện của mùa thu trong trời đất bằng tất cả giác quan và cũng chính từ góc nhìn này, hình ảnh của cả sự vật sang thu được nhà thơ đưa vào một mùi hương vô cùng quen thuộc – “hương ổi”.Ở làng quê Việt Nam đồng bằng Bắc Bộ hầu như nhà nào cũng trồng ổi. Không ít thì nhiều bởi vậy mùi hương ổi rất thân quen, không thể lẫn vào đâu được. Khi mùa hạ sắp qua, mùa thu chuẩn bị về thì đó cũng là mùa ổi chín. Mùi ổi thơm phức, ngòn ngọt rất quyến rũ. Theo làn gió thổi, hương ổi bay khắp nơi. Từ ngữ tiếp theo được nhà thơ đưa vào là động từ “phả”, một động từ chỉ sự đột ngột mạnh mẽ nhưng ở đây Hữu Thỉnh lại dùng rất nhẹ nhàng “Phả vào trong gió se” rất nhẹ bởi động thái phả ấy lại vào không gian trong gió se – vô hình chứ không phải hữu hình. Câu thơ ngắn gọn thôi nhưng có đủ hương, gió những nét đặc trưng nhất của mùa thu vùng đồi trung du của miền Bắc.

Và khi mùa thu đến, chẳng thể nào thiếu được sự góp mặt của màn sương những buổi sớm mai. Nhà thơ đã thành công khi sử dụng phép nhân hóa trong câu “sương chùng chình qua ngõ” để tạo nên một hình ảnh về những giọt sương vô cùng thong thả và chầm chậm.Có lẽ từ những điều trên đã làm cho con người chợt giật mình thảng thốt: “Hình như thu đã về”. Từ những hình ảnh quá đỗi thân thuộc đó dường như báo hiệu mùa thu về, được nhà thơ cảm nhận tinh tế bằng các giác quan của mình như thị giác và khứu giác. Tuy nhiên chỉ mới có ba dấu hiệu thì chưa đủ, nhà thơ tiếp tục đưa tầm mắt của mình ra xa và cao hơn, và ông đã phát hiện thêm những dấu hiệu mới nữa:

“Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu”

Sự cảm nhận của tác giả đã trở nên mở rộng hơn, trong bức tranh “sang thu”, dường như nhà thơ Hữu Thỉnh đã vẽ lên một dòng sông thong thả, dịu dàng và êm ả, không còn sự dữ dội như mùa hạ nữa và cánh chim sao cũng vội vã, phải chăng nó đã cảm nhận được cái lạnh đang về để bay đến phương Nam tìm nơi tránh rét. Lại một lần nữa nhà thơ Hữu Thỉnh sử dụng phép nhân hóa để diễn tả một cách sinh động sự chuyển biến của dòng sông và những cánh chim. Tuy đối lập nhau nhưng lại thống nhất trong khoảnh khắc thu về.

Và đâu đó có đám mây bé nhỏ dường như trải dài hơn, trôi lững lờ trong bầu trời xanh ngắt, cao rộng. Dường như nó vẫn còn vương vấn ánh nắng ấm áp của mùa hạ. Chắc có lẽ vì thế nên mây chỉ “vắt nửa mình sang thu” tỏ rõ một sự luyến tiếc gì đó chẳng thể nói rõ. Từ những vẻ đẹp đó, dường như đã gợi lên trong lòng người đọc một chút suy ngẫm, một chút gì đó của sự tiếc nuối.

“Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi”

Có thể nói rằng cái dáng hạ vẫn còn đó mà cái hồn hạ đã bay đi đâu rồi. Từng tia nắng chói chang của hạ vẫn còn đây, nhưng những cơn mưa mùa hạ đã không còn nhiều. Những khoảnh khắc của hạ còn sót lại là sự khắc nghiệt của nắng, tính “đỏng đảnh” của mưa hay sự vội vàng của sấm, nhưng tất thảy dường như nhạt dần theo từng phút giao mùa. Có lẽ bằng những chiêm nghiệm sâu sắc về nhân sinh mà Hữu Thỉnh đã gửi đến chúng ta những thông điệp thật ý nghĩa qua hình ảnh của “nắng, mưa, sấm” là biểu tượng cho những sóng gió, thăng trầm của cuộc đời mà con người đã trải qua, khi đã đi qua bao nhiêu nắng mưa, bao nhiêu giông tố, con người dường như cũng trở nên điềm đạm, bình tĩnh hơn trước những thử thách của cuộc sống. Và khi con người trưởng thành là khi “hàng cây đứng tuổi” đã không còn những bồng bột, sôi nổi và sự liều lĩnh của tuổi trẻ mà sẽ lắng mình xuống để suy ngẫm, cũng sẽ không để những sóng gió cuộc đời quật ngã trên mỗi bước đi. Như thế, bài thơ vừa là một bức tranh thiên nhiên đẹp vừa là một phác họa đầy sinh động về con người.

Trong bài thơ “Sang thu”, Hữu Thỉnh đã đưa độc giả đi qua bao cảm xúc, vẻ đẹp tuyệt vời của mùa thu, qua những hình ảnh đầy chân thật và sáng tạo.Không những thế, nhà thơ đã liên tiếp sử dụng phép nhân hóa và ẩn dụ để tạo nên một bức tranh giao mùa lặng lẽ và nhẹ nhàng nhưng không thiếu phần đặc sắc. Câu thơ của Hữu Thỉnh như có chút gì thâm trầm, kín đáo rất hợp với cách nghĩ, cách nói của người dân quê và từ những điều đó đã làm cho những hình ảnh thơ cứ vương vấn mãi trong hồn ta. Có một cái gì thật êm, dịu dàng toát lên từ đoạn thơ ấy. Khổ thơ tuy ngắn mà đã để lại cho ta biết bao rung động. Ta như cảm thấy một hồn quê, một tình quê đi về trong câu chữ làm lòng ta ấm áp. Hình ảnh quê hương như càng thêm gần gũi, yêu mến.

Tóm lại, bài thơ “Sang thu” của nhà thơ Hữu Thỉnh đã thành công tạo nên một bức tranh giao mùa thật đẹp qua những cảm nhận tinh tế, những hình ảnh giàu sức biểu cảm.  Không những thế, có lẽ “Sang thu” còn có nghĩa triết lí, là suy ngẫm của nhà thơ về một đời người. Phải chăng nhà thơ muốn gửi đến ta một ý nghĩa sâu xa về những con người khi “sang thu” thì không còn sôi nổi như khi còn trẻ, nhưng họ đã từng trải, đã bước qua những thời khắc khó khăn nhất của cuộc đời, vì thế họ sẽ không còn ngại sóng gió nữa. Và qua bài thơ này, tôi cũng đã cảm nhận được một chút gì đó của cuộc sống, của vẻ đẹp khi thu đến. Có lẽ con người ta cần phải sống chậm thêm một chút nữa, để nhận ra, để cảm thấy được những vẻ đẹp xung quanh ta.

Viết bởi Khủng Long

Nguồn: https://www.reader.com.vn/cam-nhan-ve-dep-buc-tranh-giao-mua-trong-bai-tho-sang-thu-a279.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *