Bạn đang xem bài viết Đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của thi sĩ Xuân Quỳnh được Vinabooks.vn tổng hợp sưu tầm từ trang Reader.com.vn các bạn hãy truy cập trang để mua sách ủng hộ đội ngũ có thêm kinh phí ra những bài viết hay hơn nhé.
Đôi nét về nữ thi sĩ Xuân Quỳnh
Nhắc đến các nhà thơ chuyên về thơ tình, lãng mạn của nền văn học Việt Nam, ngoài Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Nguyễn Bính,… còn có một nữ thi sĩ vô cùng tài hoa. Người mang những dòng tâm tư, tình cảm, sự trong sáng, một tình yêu nồng nhiệt, sự hết mình và chân thành của mình vào từng câu thơ. Đó chính là nữ thi sĩ Xuân Quỳnh. Nhà thơ nói hộ tiếng lòng, khát vọng yêu, được yêu và được là chính mình cho các độc giả nữ nói riêng.
- Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Bà Huyện Thanh Quan
- Đôi nét về chủ nghĩa văn học lãng mạn Việt Nam
- Những nhà thơ xuất sắc trong phong trào văn học cách mạng
Thông tin khái quát về nữ thi sĩ Xuân Quỳnh
Xuân Quỳnh có tên đầy đủ là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, có nghĩa là đóa hoa Quỳnh trong mùa xuân đầy sức sống và xinh đẹp.
Bà sinh ngày 6 tháng 10 năm 1942 tại xã Văn Khê, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay thuộc phường La Khê, quận Hà Đông, thủ đô Hà Nội). Xuân Quỳnh sinh ra và lớn lên trong gia đình công chức gia giáo cùng người chị gái Đông Mai. Mẹ của bà mất sớm, cha Xuân Quỳnh đi thêm bước nữa. Nếu chị gái Đông Mai chọn ở với cha và mẹ kế, thì nhà thơ Xuân Quỳnh chọn ở với bà nội. Bà nội cũng là người nuôi nấng và chăm sóc Xuân Quỳnh đến khi trưởng thành. Tuy thiếu thốn về vật chất và các điều kiện sống nhưng Xuân Quỳnh vẫn trở thành một người hiểu chuyện, vui vẻ, hòa đồng đối với mọi người xung quanh và đầy mạnh mẽ.
Trước khi đến với nghiệp cầm bút, Xuân Quỳnh có xuất thân là một diễn viên múa từ Đoàn văn công nhân dân Trung ương. Với tài năng của mình, Xuân Quỳnh cũng từng đi lưu diễn nhiều nơi ở nước ngoài. Ngoài ra Xuân Quỳnh còn từng tham dự Đại hội thanh niên sinh viên thế giới năm 1959 tại Vienna (Áo).
Trong khoảng thời gian từ năm 1962 đến 1964, bà học tập tại Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ (khoá I) của Hội Nhà văn Việt Nam và bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình . Sau khi tốt nghiệp, bà làm việc tại báo Văn nghệ và báo Phụ nữ Việt Nam.
Năm 1967, bà được kết nạp và trở thành ủy viên Ban chấp hành của hội nhà văn Việt Nam khóa III.
Năm 1973, nhà thơ Xuân Quỳnh kết hôn với nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Trước đó, bà đã kết hôn lần đầu với một nhạc công của Đoàn văn công Nhân Dân Trung Ương và đã ly hôn. Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ sát cánh bên nhau đến 15 năm cùng ba người con. (Trong đó có một người con riêng của Xuân Quỳnh, một người con lớn của Lưu Quang Vũ và vợ trước là diễn viên Tố Uyên. Chỉ có Lưu Quỳnh Thơ là con chung của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh.)
Từ năm 1978 cho đến khi qua đời, bà đã làm biên tập viên cho NXB Tác phẩm mới.
Nhà thơ Xuân Quỳnh mất 29/08/1988 trong một vụ tai nạn giao thông tại Hải Dương cùng với người chồng là Lưu Quang Vũ và con trai là Lưu Quang Thơ khi đó mới 13 tuổi.
Năm 2001, Xuân Quỳnh được nhà nước phong tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Năm 2017, Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho cố nhà thờ Xuân Quỳnh với 2 tập thơ đó là Lời Ru mặt đất và Bầu trời trong quả trứng.
Sự nghiệp thơ ca của Xuân Quỳnh
Các tác phẩm chính
· Tơ tằm – Chồi biếc (thơ, in chung phần Chồi biếc, Nhà xuất bản Văn học, 1963), 18 bài thơ
· Hoa dọc chiến hào (thơ, in chung, 1968), 28 bài thơ
· Gió Lào, cát trắng (thơ, 1974)
· Lời ru trên mặt đất (thơ, 1978), 34 bài thơ
· Cây trong phố – Chờ trăng (thơ, in chung phần Chờ trăng, 1981)
· Sân ga chiều em đi (thơ, 1984)
· Tự hát (thơ, 1984)
· Hoa cỏ may (thơ, 1989), 18 bài thơ
· Thơ Xuân Quỳnh (1992, 1994)
· Thơ tình Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ (1994)
Các tác phẩm viết cho thiếu nhi
· Mùa xuân trên cánh đồng (truyện thiếu nhi, 1981)
· Bầu trời trong quả trứng (thơ văn thiếu nhi, 1982), 32 thơ + 16 văn
· Truyện Lưu Nguyễn (truyện thơ, 1985)
· Bến tàu trong thành phố (truyện thiếu nhi, 1984)
· Vẫn có ông trăng khác (truyện thiếu nhi, 1986)
· Tuyển tập truyện thiếu nhi (1995)
· Chú gấu trong vòng đu quay (tập truyện)
Các bài thơ được phổ nhạc
· Sóng (nhóm sinh viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP HCM) trong năm 4/2017)
· Thơ tình cuối mùa thu (Phan Huỳnh Điểu)
· Thuyền và biển (Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc 12 câu cuối trong những năm 80)
· Mẹ của anh (Trịnh Vĩnh Thành)
Phong cách sáng tác của Xuân Quỳnh
Nói về Xuân Quỳnh người ta thường nhắc đến một người phụ nữ vui tươi, luôn xuất hiện với nụ cười trên môi. Xuân Quỳnh nhiệt tình, chân thành với tất cả mọi người. Một người phụ nữ thiếu thốn từ nhỏ luôn mong mỏi có hạnh phúc trọn vẹn. Phải chăng đó là lý do khiến cho thơ tình của Xuân Quỳnh luôn hiện diện sự chân thành, nóng bỏng của một trái tim đang yêu. Một tình yêu mãnh liệt , sôi nổi nhưng cũng rất đằm thắm, rất đỗi phụ nữ.
“Người ta làm thơ đầu tiên là để tự thể hiện, là một hành động khẳng định, rồi là một hành động khai sinh, đáp ứng yêu cầu sáng tạo, nhu cầu nối liền mình với đồng loại, với các sự vật vũ trụ, với thế giới”. Đó là những gì bản thân nữ thi sĩ tự nghĩ, tự bàn về thơ. Giọng thơ của bà cứ thế mà dung dị, mọi câu từ như xuất phát từ tấm lòng rồi dần dần hiện lên trang giấy. Một cảm xúc chân thành, hồn nhiên đã tạo nên cái riêng trong nét thơ của bà.
Xuân Quỳnh được xem là người viết thơ tình hay nhất trong nền thơ ca hiện đại Việt từ sau 1945. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn thiết tha gắn bó với cuộc đời, với con người, khao khát tình yêu, trân trọng hạnh phúc bình dị đời thường. Khát vọng sống và khát vọng yêu mãnh liệt gắn liền với những dự cảm về sự bất trắc.
Những nhận định hay về thơ Xuân Quỳnh, về thi phẩm “Sóng”
“Đó là hành trình khởi đầu là sự từ bỏ cái chật chội, nhỏ hẹp để tìm đến một tình yêu bao la, rộng lớn, cuối cùng là khát vọng được sống hết mình trong tình yêu, muốn hóa thân vĩnh viễn thành tình yêu muôn thuở” (SG.TS Trần Đăng Suyền)
“Ở mỗi tập thơ của Xuân Quỳnh, những bài viết về tình yêu thường để lại nhiều ấn tượng hơn cả. Với giọng điệu thơ hết sức tự nhiên, bài Sóng thể hiện một tình yêu sâu sắc, bồi hồi, thao thức đến cả trong giấc mơ. Dù có những gian truân cách trở, nhưng tình yêu bao giờ cũng đẹp, cũng đến được tận cùng hạnh phúc, như con sóng nhỏ đến với bờ xa.” (Nhà thơ hiện đại, GS Phong Lê chủ biên, Viện Văn học, Nhà xuất bản KHXH 1984)
Thể Hồng
Nguồn: https://www.reader.com.vn/doi-net-ve-cuoc-doi-va-su-nghiep-sang-tac-cua-thi-si-xuan-quynh-a410.html