Mùa thu trên trang giấy

Mùa thu trên trang giấy

Bạn đang xem bài viết Mùa thu trên trang giấy được Vinabooks.vn tổng hợp sưu tầm từ trang Reader.com.vn các bạn hãy truy cập trang để mua sách ủng hộ đội ngũ có thêm kinh phí ra những bài viết hay hơn nhé.

Mùa thu trên trang giấy trắng

“Đọc được dòng thư này, chắc hẳn là cậu buồn lắm. Tớ từng hứa với cậu là sẽ cùng cậu tận hưởng mùa thu, được làm những điều mà cả hai mong ước được làm dưới bầu trời thu đầy lá vàng. Nhưng buồn thay, gia đình tớ xảy ra chuyện nên phải chuyển nhà đi gấp, nên tớ chẳng thể ở lại để cùng cậu tận hưởng mùa thu rồi. Tớ thật là thất hứa quá! Không biết sau này có còn dịp nào để gặp lại cậu không, nhưng nếu được, tớ sẽ bù đắp lại cho cậu nha! Hẹn một ngày gặp lại, bạn thân của tớ!”

  • Chúng ta nỗ lực vì điều gì?
  • Bài học quý giá từ cuốn sách Vạch mặt thiên tài nói dối
  • Sau này mình tìm nhau không?

Mùa thu trên trang giấy

Sau khi đọc lá thư ấy, tôi chẳng biết nói gì ngoài than phiền rằng bạn bè gì đâu mà kì cục, hứa xong lại thất hứa, tụt hết cả hứng. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì cũng thương cho hoàn cảnh của bạn mình: ba mẹ của bạn cũng làm công ăn lương như bao người, nhưng cứ cách một khoảng thời gian là phải chuyển công tác sang nơi khác, vậy nên họ quyết định chuyển nhà ra gần chỗ làm để tiện cho công việc, và dĩ nhiên là cậu ấy cũng sẽ đi theo ba mẹ thôi, chứ nào dám ở lại nhà cũ để sống một mình đâu. Biết rằng mùa thu này lại cô đơn như biết bao mùa thu khác, tôi chọn ở nhà thay vì đi ra ngoài, đơn giản là vì xung quanh nơi tôi ở chẳng có mấy điều để làm, với lại dù dịch bệnh ở thành phố của tôi đã được kiểm soát, song tôi vẫn giữ an toàn cho bản thân, đảm bảo bản thân không bị nhiễm bệnh.

Những ngày ở nhà, bản thân cảm thấy an toàn hơn, muốn làm thêm nhiều thứ hơn. Nhưng lâu dần, tôi cảm thấy chán nản, chẳng còn ai bầu bạn, cũng chẳng còn điều gì để làm, mọi thứ xung quanh tôi dần trở nên u tối hơn. Và trong không gian u tối ấy, tôi chợt nghĩ tới một điều, rằng tại sao mình không vẽ lại những điều mình nhớ về đứa bạn của mình, tại sao mình không khắc họa lại những kí ức đã có cùng cậu ấy lên những nét vẽ? Và như thế, sau bữa cơm, tôi khóa cửa nhà, thu mình vào căn phòng nhỏ, lấy giấy ra vẽ lại những điều mình nhớ về cậu ấy. Tờ giấy tôi lấy để vẽ hôm ấy thật trắng muốt biết bao, trắng y như cái tâm hồn của cậu vậy – ngây thơ, trong sáng như đứa trẻ mới lên mười. Mới đầu, tôi chẳng biết nên vẽ gì, nhưng rồi một ý tưởng chợt lóe lên trong đầu tôi, mà ý tưởng ấy còn biết nói cơ. Nó nói rằng hãy vẽ những chiếc lá phong bên cạnh những món đồ gắn với kỷ niệm của cả tôi và cậu ấy. Từ cái ý tưởng ấy, tôi bắt đầu vẽ những nét vẽ đầu tiên.

Khi vẽ xong chiếc loa bluetooth, trong đầu tôi chợt nhớ về một mùa thu những năm cấp 2, khi đó tôi với cậu ấy cùng học chung một lớp. Hồi đó, trường tôi có ra thông báo là các lớp chuẩn bị tiết mục văn nghệ để thi chào mừng ngày Nhà giáo, lớp tôi tập tành khẩn trương lắm. Có một lần, tôi được xuống xem lớp tôi chuẩn bị cho tiết mục, cậu ấy khi đó là người chỉ huy cho đội múa của lớp. Khi nhìn thấy tôi, cậu ấy hô to:

 – Nè, Phong ngơ ơi, vào đây tớ nhờ chút!

Tôi hồi đó đúng là một cậu nhóc ngơ thật, không biết thế sự ra sao luôn, nghe bạn mình gọi là hí hửng vào thôi. Việc cậu ấy nhờ là trông giữ loa và điều chỉnh khi cần thiết. Tôi đem cái loa ấy theo người và ra cái bàn gần đó ngồi xem bạn mình chỉ huy. Ngồi xem được một lúc thì tôi chợt lăn ra ngủ, âm thanh của cái loa lúc đó dù to, nhưng không ảnh hưởng đến giấc ngủ của tôi. Một lúc sau, chợt có thứ gì đó gõ vào đầu tôi, và bất ngờ thay, khi tỉnh dậy, đội múa đã về hết, còn cô bạn thì ở lại, cho tôi ăn một cốc vào đầu bằng cái loa đó. Ăn cốc xong, tôi còn được ăn mắng nữa:

 – Tớ giao việc cho cậu, mà sao cậu lại ngủ. Cậu có biết cậu làm thế là ảnh hưởng tới tớ, tới đội, và tới cả lớp không?

Nói xong, cô ấy làm thêm một cốc nữa vào đầu tôi rồi bước ra khỏi phòng tập, để lại câu nói Đồ ngốc vang khắp dãy hành lang.

Khi dòng ký ức ấy đi qua, tôi chợt phát hiện ra rằng xung quanh chiếc loa mà tôi đã vẽ là những nét vẽ lá phong đã ở đó từ khi nào. Lúc đó tôi tự thắc mắc rằng liệu có ai đó đã vẽ nó trong khi mình đang chìm vào ký ức không. Tôi đã khóa cửa nhà từ trước rồi nên chẳng có ai vào nhà cả. Để kiểm chứng, tôi vẽ thêm một món đồ nữa, lần này là chiếc ô màu xanh.

Nhắc đến chiếc ô đó, trong đầu tôi lại ùa về kỷ niệm. Hồi đó, tôi là chàng thiếu niên mới bước chân vào cấp ba. Trường học của tôi ngày đó ở xa nhà tôi nên tôi phải bắt xe buýt đi học. Bạn thân của tôi ngày nào giờ đã là một cô gái xinh đẹp, học giỏi, được nhiều người quan tâm đến. Hai đứa học chung một trường nên cùng bắt chung chuyến xe buýt đi học, nhưng lúc nào cũng ngồi đứa ghế trước, đứa ghế sau, chưa lần nào ngồi cạnh nhau cả. Một ngày nọ, trời mưa tầm tã, lại đúng vào giờ học sinh được về nữa, tôi chuẩn bị sẵn chiếc ô để có thể đi bộ từ trường ra bến xe buýt, nhưng vừa bước chân ra đến mái hiên thì tôi nhìn thấy cậu ấy đứng ngắm mưa. Nhìn cậu ấy như thế, tôi đoán chắc là cậu ấy không mang theo ô, nên tôi đã tiến gần đến cậu ấy, cho cậu ấy đi chung chiếc ô của tôi. Khi nhìn thấy tôi, thấy chiếc ô tôi cầm che mưa, cậu ấy rơm rớm nước mắt, ôm chầm lấy tôi. Cái ôm ấy khiến tôi không thể nào quên cô ấy được. Ôm tôi xong, cô ấy cầm lấy vạt áo tôi và nói:

 – Mình cùng về nhà nhé! Cảm ơn cậu nhiều vì đã cho tớ đi chung chiếc ô ấy!

Dòng kí ức ấy đi qua, cũng là lúc tôi phát hiện ra rằng xung quanh chiếc ô mà tôi đã vẽ là những chiếc lá phong vàng úa, kèm theo hình trái tim bé bé ngay bên cạnh, tôi thực sự rất bất ngờ. Không lẽ nào những dòng ký ức ban nãy đã thay tôi vẽ những chiếc lá phong đó? Chưa hết bất ngờ vì những chiếc lá phong, tôi lại bị bất ngờ khi tờ giấy vẽ ấy bỗng phát sáng, trở thành một bức tranh với hai khung cảnh, y hệt những ký ức mà tôi được nhìn thấy khi nãy, hai món đồ tôi đã vẽ khi nãy cũng xuất hiện trong bức tranh đó. Bức tranh ấy giống như đã tái hiện lại mùa thu trong trái tim, trong ký ức của tôi vậy. Đằng sau bức tranh ấy là những nét chữ viết tay: “Ký ức của cậu đã được khắc ghi lại trên bức tranh này. Mỗi lần cậu nhớ tới tớ, là nhớ đến món nợ mùa thu tớ còn nợ cậu, nhưng với bức tranh này, tớ đã mang lại cho cậu một mùa thu thật đặc biệt, mong cậu hãy trân trọng nó nhé!” Những dòng viết tay ấy như đang thay lời cô bạn thân của tôi vậy, mặc dù ở xa nhau nhưng ngỡ như thật gần gũi, thân thuộc.

Nhìn ngắm bức tranh đó được một lúc lâu thì đồng hồ đã điểm 11 giờ đêm, tôi đành cất gọn bức tranh đó vào tập vẽ của tôi, tắt hết điện đi và chìm vào giấc ngủ. Mặc dù ngày mai chẳng có nhiều việc để làm, nhưng tôi vẫn muốn ngủ, ngủ để mơ mộng về những kỷ niệm mùa thu đã qua…

Viết bởi Diệp Tư Viễn

Nguồn: https://www.reader.com.vn/mua-thu-tren-trang-giay-a446.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *