Những mẩu truyện cười dân gian Việt Nam hay và ý nghĩa nhất

Những mẩu truyện cười dân gian Việt Nam hay và ý nghĩa nhất

Bạn đang xem bài viết Những mẩu truyện cười dân gian Việt Nam hay và ý nghĩa nhất được Vinabooks.vn tổng hợp sưu tầm từ trang Reader.com.vn các bạn hãy truy cập trang để mua sách ủng hộ đội ngũ có thêm kinh phí ra những bài viết hay hơn nhé.

Truyện cười Việt Nam (còn gọi là truyện tiếu lâm) là một lĩnh vực truyện kể dân gian rộng lớn, đa dạng, phức tạp bao gồm những hình thức được gọi bằng những danh từ khác nhau như truyện tiếu lâm, truyện khôi hài,…Truyện cười được viết trước hết nhằm mục đích giải trí, sau là nhằm đả kích, phê phán xã hội đương thời. vạch trần cái ác, cái xấu có tính bản chất của giai cấp thống trị, lãnh đạo. Truyện trào phúng đả kích từ vua chúa, quan chức đến địa chủ cường hào, thầy đồ, thầy chùa, thầy pháp, thầy lang, nhà giàu mới, ông bà chủ,… Để có thể tổng hợp hết những truyện cười dân gian thì dường như là một chuyện bất khả thi. Tuy nhiên vẫn nổi bật những tác phẩm truyện cười hay và chứa đựng nhiều ý nghĩa.

1. Thầy bói xem bói

Được ngày rảnh rỗi, không có khách nào vào xem bói và bói bài tây cả nên năm ông thầy bói mù cùng nhau ngồi tán phét.

Ông nào cũng chưa từng một lần nhìn thấy con voi nên không biết hình thù nó ra sao. Bỗng nghe dân tình kháo nhau có người đang dắt voi đi ngang qua làng. Năm ông thầy bói chung tiền vào đưa cho người quản voi bảo họ cho voi dừng lại để xem. Ông sờ vòi, ông sờ ngà, ông thì sờ chân, ông thì sờ tai còn ông thì sờ đuôi. Sau khi sờ voi kĩ lưỡng thì 5 ông thầy lần lượt phán.

Những mẩu truyện cười dân gian Việt Nam hay và ý nghĩa nhất

Thầy sờ vòi của voi thì phán:

– Tôi cứ tưởng con voi nó thế nào chứ hóa ra nó cũng sun sun như con đỉa thôi

Thầy sờ ngà voi thì lại phán:

– Tôi thấy nó đâu có như con đỉa, nó dài dài cứng cứng như cái đòn càn

Tiếp đến thầy sờ tai thì phán:

– Không phải, nó bè bè như là cái quạt thóc

Thầy sờ chân voi phản ứng ngay:

– Các ông đều sai hết, nó sừng sững như là cái cột đình vậy

Cuối cùng thầy sờ đuôi phán:

– Bốn ông chả ai nói đúng cả, tôi thấy nó tua tủa như là cái chổi xể cùn

Năm ông thầy mỗi ông một ý, không ông nào chịu nhường ông nào cả nên nhảy vào cãi lộn rồi xô xát đến mức sứt đầu mẻ trán.

Đây là một trong những câu chuyện kinh điển của văn học dân gian Việt Nam, được viết nhằm khuyên răn người đời không nên nhìn sự vật, sự việc theo hướng phiến diện, một chiều. Khi nhìn nhận một sự việc, cần phải có cái nhìn đa chiều, tiếp thu ý kiến của mọi người, tránh dẫn tới kết luận sai lầm, Truyện còn phản ánh sự phê phán về những người hiểu biết nông cạn nhưng lại luôn tỏ ra mình thông thái hơn người.

2. Lợn cưới áo mới

Có anh tính hay khoe của. Một hôm, may được cái áo mới, liền đem ra mặc, rồi đứng hóng ở cửa, đợi có ai đi qua người ta khen.

Truyện cười dân gian Lợn cưới áo mới

Đứng mãi từ sáng đến chiều chả thấy ai hỏi cả, anh ta tức lắm.

Đang tức tối, chợt thấy một anh, tính cũng hay khoe, tất tưởi chạy đến hỏi to:

   – Bác có thấy con lợn cưới của tôi chạy qua đây không?

Anh kia liền giơ ngay vạt áo ra, bảo:

   – Từ lúc tôi mặc cái áo mới này, tôi chẳng thấy con lợn nào chạy qua đây cả!

Câu chuyện phê phán tính cách khoe khoang của con người, khoe của dẫn tới bản thân trở nên lố bịch, kì quặc trong mắt người đời. Khoe khoang là một trong những tính cách được xếp vào những tật xấu nhất của con người, cần được khắc phục và loại bỏ. 

3. Kẻ ngốc nhà giàu

Gia đình phú ông có một người con trai, tuy đã lớn nhưng đầu óc chậm chạp, lại thường xuyên tiêu tiền hoang phí. Vì muốn con mình nên người, phú ông liền nói:

Kẻ ngốc nhà giàu

“Con có lớn mà không có khôn, thậm chí còn chẳng phân biệt được hạt kê và hạt lúa. Ta muốn để con ra ngoài học hỏi thì mới mong có ngày khá được”.

Người con trai nghe vậy cũng đồng ý. Sau khi rời nhà, anh gặp một người thợ đang tạc hai con sư tử đá.

Nhìn dáng vẻ của hai bức tượng, cậu con trai thích chí vô cùng, ngỏ ý muốn mua. Người thợ kia cũng biết cậu ngốc nghếch, bèn cố tình hét giá:

“Con sư tử nhỏ giá 3000 lạng vàng, con sư tử lớn thì 5000 lạng”.

Cậu con trai thản nhiên gật đầu, yêu cầu người đó đem tượng đến nhà mình, người kia liền mang theo bức tượng sư tử nhỏ về trước. Khi về tới nhà, cậu vội vàng khoe với cha rằng mình mua được đồ tốt.

Tới khi nhìn thấy tượng con sư tử đá bình thường mà bị hét giá lên tới mấy ngàn lượng vàng, người cha không khỏi than trời mà nói:

“Con bỏ ra số tiền lớn như vậy để mua thứ đồ vô dụng này, thật đúng là đứa con phá gia chi tử. Chẳng trách vì sao mọi người thường bảo ta thế nào cũng gặp báo ứng”.

Cậu con trai nghe xong lập tức vỗ tay cười lớn:

“Con nói cha nghe, đây mới chỉ là báo ứng nhỏ thôi, còn một báo ứng lớn đang chờ phía sau kia kìa”.

Câu chuyện khẳng định tầm quan trọng của tri thức, kẻ không có tri thức dù có trong tay tiền bạc vật chất cũng không thể giữ được lâu. Vì vậy câu chuyện khuyên chúng ta phải biết học hỏi và phát triển kiến thức của mình, trau dồi kinh nghiệm.

4. Treo biển

Một cửa hàng bán cá làm cái biển đề mấy chữ to tướng:

Truyện cười dân gian Treo biển

“Ở ÐÂY CÓ BÁN CÁ TƯƠI”

Biển vừa treo lên, có người qua đường xem, cười bảo:

– Nhà này xưa nay quen bán cá ươn hay sao mà bây giờ lại phải đề là “cá tươi”!

Nhà hàng nghe nói, xoá ngay chữ “tươi” đi. Hôm sau, có người đến mua cá, cũng nhìn lên biển, cười bảo:

– Người ta chẳng nhẽ đến hàng hoa mua cá hay sao mà phải đề là: “Ở đây”! 

Nhà hàng nghe có lý, xóa hai chữ “Ở đây” đi.

Cách vài hôm, lại có một người khách đến mua cá, cũng nhìn lên biển, cười bảo:

– Ở đây chẳng bán cá thì bày cá ra để khoe hay sao mà phải đề là “có bán”!

Nhà hàng nghe nói, lại bỏ ngay hai chữ “có bán” đi. Thành ra trên biển chỉ còn có mỗi chữ “cá”! Anh ta nghĩ bụng chắc từ bây giờ không ai còn bắt bẻ gì nữa. Vài hôm sau, người láng giềng sang chơi, nhìn cái biển nói:

– Chưa đi đến đầu phố đã ngửi thấy mùi tanh, đến gần nhà thì đã thấy đầy những cá, ai mà chẳng biết là bán cá, còn đền biển làm gì nữa!

Thế là nhà hàng cất nối cái biển.

Truyện “Treo biển” đã tạo nên tiếng cười vui vẻ, có ý nghĩa phê phán nhẹ nhàng những người thiếu bản lĩnh, thiếu suy nghĩ độc lập khi làm việc, cũng như khi nghe người khác góp ý, nhận xét. Đó là những người thiếu chủ kiến khi làm việc, không suy xét kĩ khi nghe ý kiến của người khác.

Những mẩu truyện cười bao giờ cũng tạo ra tiếng cười trào phúng, thông qua tiếng cười châm biếm để từ đó truyền tải những thông điệp tư tưởng của mình, đặc biệt nhằm mục đích đả kích mạnh mẽ những thói hư tật xấu, và đặc biệt là những quan lại, địa chủ ức hiếp dân lành, cho đến bây giờ vẫn là những bài học sâu sắc.

Thảo Nguyên

Nguồn: https://www.reader.com.vn/nhung-mau-truyen-cuoi-dan-gian-viet-nam-hay-va-y-nghia-nhat-a460.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *