Phân tích hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến

Phân tích hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến

Bạn đang xem bài viết Phân tích hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến được Vinabooks.vn tổng hợp sưu tầm từ trang Reader.com.vn các bạn hãy truy cập trang để mua sách ủng hộ đội ngũ có thêm kinh phí ra những bài viết hay hơn nhé.

Chiến tranh đã đi qua nhưng những gì nó để lại còn mới nguyên như vừa mới xảy ra hôm qua. Đó là một hành trình vừa lịch sử, vừa kiêu hùng song cũng đầy mất mát của một thế hệ: “Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non”. Có thể nói, dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng, bất khuất, khiến tất cả mọi thế lực xâm lấn phải khiếp sợ. Chiến tranh dẫu mang lại quá nhiều mất mát không thể diễn tả được bằng lời, song, nó cũng đã tạo ra những niềm cảm hứng bất diệt cho văn học. Văn học, với sứ mệnh đặc biệt thiêng liêng, đã theo rất sát cuộc chiến của dân tộc, những con người viết nên lịch sử. Trong đó hình tượng người lính là hình tượng nhân vật được viết đến nhiều nhất, Tây Tiến là một trong những tác phẩm miêu tả xuất sắc hình tượng người lính.

Phân tích hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến

Văn học cách mạng nổi bật với đặc điểm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, lấy hình tượng người lính làm trung tâm, hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ trở thành hình tượng đẹp nhất, đáng tự hào nhất của thơ ca kháng chiến chống Pháp. Họ là những người sống có lí tưởng sẵn sàng lấy máu mình để tô thắm lá cờ cho Tổ quốc, đồng thời đó cũng tràn đầy tâm hồn lãng mạn hào hoa. Không nằm ngoài dòng chảy thời đại, Tây Tiến xây dựng hình tượng người chiến sĩ cách mạng chủ yếu trên những phương diện sau đây.

Vẻ đẹp kiên cường bất khuất, bi tráng 

Người lính thời chiến, được gọi bằng tên gọi thân thương là anh bộ đội cụ Hồ, mang trong mình dáng dấp lịch sử và đất nước. Ẩn sâu trong những con người nhỏ bé này là cả một tinh thần bất khuất, kiên cường,và đặc biệt không sợ bất cứ điều gì, chỉ sợ mất nước. Trước hết, điều này được thể hiện qua ngoại hình:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.

Đây là câu thơ hiếm hoi trong tác phẩm phác họa chân thực ngoại hình người lính vào thời kì chiến tranh. Chiến tranh cực kì gian khổ và thiếu thốn, chúng ta không chỉ đối mặt với quân thù, với cái chết đang đeo đuổi sau lưng, mà còn đối mặt với bệnh tật, đặc biệt là bệnh sốt rét rừng, đối với căn bệnh này,những người mắc sẽ bị bào mòn đi sức khỏe, dẫn tới việc tóc bị rụng, câu thơ trên muốn cho chúng ta thấy được những vất vả mà người lính phải chịu được khi hành quân. Chính nhà thơ cũng từng viết: 

Khuôn mặt đã lên màu bệnh tật
Đâu còn tươi nữa những ngày hoa

Viết về khó khăn, nhưng không bi thương bi lụy, sử dụng như một đòn bẩy nhằm tăng thêm vẻ đẹp kiên cường của anh bộ đội cụ Hồ.

Câu thơ này cũng sử dụng đảo ngữ, đảo “Tây Tiến đoàn binh” lên trước, để tăng tính chủ động. Nghĩa là họ chủ động cắt tóc, ngang nhiên đối diện với những khó khăn thử thách mà không hề nề hà. Nhà thơ không né tránh hiện thực chiến tranh như những nhà thơ khác thường làm. Ông nói lên mất mát của nó, để ca ngợi tinh thần người lính:

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Người lính giữ cho mình một tư thế oai phong, hùng dũng là “dữ oai hùm”. Câu thơ đối ngược hoàn toàn so với câu thơ trước. Tính từ dữ, “oai hùm” như càng làm bật lên vẻ đẹp của một thế hệ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Tư thế làm chủ đất nước, như một lời thách thức gửi đến những kẻ xâm lăng đang ngang nhiên lộng hành.

Vẻ đẹp kiên cường bất khuất của họ được thể hiện rõ hơn qua sự hi sinh:

Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
Áo bào thay chiếu, anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

Tây Tiến không hề che giấu cái bi. Nhưng bi mà không bi luỵ. Cái bi được thể hiện bằng một giọng điệu, âm hưởng, màu sắc tráng lệ, hào hùng. Cứ một câu khắc họa hiện thực, lại một câu ca ngợi tinh thần bất khuất của người lính cụ Hồ. Hình ảnh “rải rác biên cương” vẽ ra không gian xa xôi, biên viễn nơi biên ải, ở đó biết bao chiến sĩ hi sinh, phải để lại thân xác nơi đất khách quê người. Có lẽ đây là câu thơ hiện thực trần trụi, đau đớn và xót xa nhất trong toàn bộ tác phẩm của ông. Nhưng không vì thế mà câu thơ trở nên bi lụy, ngay sau đó, ông đã khẳng định “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Chính nhà thơ Thanh Thảo cũng khẳng định:

Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?

Câu thơ tiếp theo, Quang Dũng trân trọng trao cho những người lính bằng tất cả niềm tin yêu và sự kính trọng của mình – chiếc áo bào. Thời chiến, những người lính khi về với đất mẹ thường được cuốn trong chiếu, hoặc quân phục. Nhà thơ đã hình tượng hóa chúng thành chiếc áo bào – trang phục dành cho vua để khẳng định tình cảm của mình dành cho thế hệ oai hùng đã đạp đổ quân thù mà cứu nước. Quả thật, nhắc đến người lính là nhắc đến vẻ đẹp kiên cường và oai hùng.

Vẻ đẹp kiên cường bất khuất, bi tráng  trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Vẻ đẹp hào hoa đậm chất lãng mạn

Nguyễn Đình Thi từng viết:

Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy

Ý muốn nói đằng sau những con người tưởng chừng mạnh mẽ, coi cái chết như mây bay thức chất vẫn có trong mình sự vương vấn, tâm hồn hào hoa và đậm chất lãng mạn. Làm sao không nhớ, làm sao không tiếc quãng đời thanh xuân tươi đẹp? Vẻ đẹp người lính trong Tây Tiến có đủ mạnh mẽ, nhưng cũng mang dáng dấp hào hoa của những đứa con Hà Thành, vẻ đẹp này đúc kết chỉ trong câu thơ:

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Đây là câu thơ từng khiến Tây Tiến không được công nhận theo đúng giá trị của nó. Bởi đa số cho rằng Quang Dũng làm mất đi cái mạnh mẽ của người lính, đem tình cảm tư sản làm xấu đi hình ảnh bộ đội cụ Hồ. Tuy nhiên, thực chất đây là những nét rất riêng của người lính, chỉ là người ta cố tình lờ đi. Bên cạnh những nét vẽ về một tâm hồn kiên cường, bất khuất thì tượng đài người lính Tây Tiến còn được khắc họa bằng những nét vẽ về một tâm hồn mộng mơ, giàu sức trẻ. Trong những đêm ôm súng không ngủ trên đất khách, người lính chiến đã hướng tầm mắt, hướng tâm hồn mình về với Tổ quốc thân yêu, về với quê hương Hà thành nơi các anh đã gửi lại bao kỷ niệm về một thời áo trắng, bút vở thân yêu. Và ở đó còn có cả bóng dáng những cô gái Hà Nội dịu dàng, duyên dáng, là tình yêu, là nỗi nhớ của những chàng thanh niên xa quê hương chiến đấu. Mặc dù ý chí đã ghim chặt trái tim dành cho Tổ quốc, nhưng họ cũng chỉ là những thanh niên mới lớn, còn tràn ngập sự yêu đời và lãng mạn. Ở có sự cân bằng giữa cái gai góc của chiến tranh, cái lãng mạn của Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Quang Dũng đã không bỏ qua bất cứ một rung động tế vi nào trong tâm hồn của những người lính, sự hào hoa lãng mạn càng làm đẹp hơn vẻ đẹp của họ, những điều nhỏ bé nhưng lại làm nên bức tượng đài vĩ đại không thể xô ngã.

Tây Tiến là tác phẩm tiêu biểu cho văn học cách mạng, nhìn nhận chiến tranh dưới cái nhìn chân thực hơn, lãng mạn hơn, tác phẩm cho ta một cảm nhận khách quan hơn về những người lính đã làm nêm đất nước.

Nguồn: https://www.reader.com.vn/phan-tich-hinh-tuong-nguoi-linh-trong-bai-tho-tay-tien-a668.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *