Review Sách: Nửa Vòng Trái Đất Uống Một Ly Trà

Review Sách: Nửa Vòng Trái Đất Uống Một Ly Trà

Bạn đang xem bài viết Review Sách: Nửa Vòng Trái Đất Uống Một Ly Trà được Vinabooks.vn tổng hợp sưu tầm từ trang Reader.com.vn các bạn hãy truy cập trang để mua sách ủng hộ đội ngũ có thêm kinh phí ra những bài viết hay hơn nhé.

Nhà viết kịch, nhà phê bình Bernard Shaw đã nói: Không tình yêu nào chân thật hơn tình yêu đối với ẩm thực. Còn với tôi: Không một việc nào nào thú vị bằng việc ngắm nhìn và tìm hiểu về ẩm thực. Và bảo bối tùy bút Nửa vòng trái đất uống một ly trà của tác giả Di Li đã thỏa mãn được niềm đam mê của tôi.

  • Review sách “Yêu một cô gái Việt” tác giả Travelling Kat
  • Người Biến Mất – Tác phẩm trinh thám nổi tiếng của Jeffery Deaver
  • Review Sách: Cánh Buồm Đỏ Thắm – The Scarlet Sails

Review Sách: Nửa Vòng Trái Đất Uống Một Ly Trà

Mua tại Tiki Mua tại Fahasa Mua tại Shopee

Nửa vòng trái đất uống một ly trà là một cuốn tùy bút ẩm thực được viết bởi tác giả Di Li, bao gồm hơn 300 trang và 54 câu chuyện. Mỗi câu chuyện ẩn dấu một món ăn, một trải nghiệm của chính tác giả khi thưởng thức món ăn đó. Giống như cái tên của nó Nửa vòng trái đất, tác giả sẽ đưa chúng ta đi phiêu lưu cùng nền ẩm thực khắp nửa trái đất này, đi từ món Á đến món Âu, đi Nhật Bản đến Hà Lan, rồi lại từ Athen về Ấn Độ. Bạn sẽ biết được đâu là món ăn nổi bật của đất nước này, đâu là truyền thông ẩm thực của đất nước kia, thậm chí bạn còn biết được lịch sử và lý do ra đời của món ăn đó. Ví dụ bạn sẽ biết tại sao Pizza lại là biểu tượng ẩm thực của nước Ý, tại sao Tom Yum của Thái lại đứng vào top 50 món ngon nhất thế giới và tại sao Cá trích lại là đặc sản của Hà Lan. Điều đặc biệt hơn cả, khi đọc cuốn sách này bạn còn biết được văn hóa ẩm thực của các quốc gia trên thế giới, cách mà ăn này, cách họ chế biến này và cả cách mà thưởng thức kết hợp chúng nữa chứ. Ôi thật là thú vị đấy!

Chúng ta hãy cùng bắt đầu với chuyến phiêu lưu ẩm thực nào!

1. Chuyến phiêu lưu đầu tiên: Nhật Bản với nền ẩm thực “tối giản”

Khi nhắc đến ẩm thực Nhật Bản, chắc chắn ai cũng nghĩ ngay đến sushi cá hồi, một món ăn đã trở thành biểu tượng văn hóa ẩm thực của xứ sở hoa anh đào. Nhưng trong cuốn sách này, tác giả Di Li còn giới thiệu cho chúng ta rất nhiều món mà nhất định phải thử khi đến Nhật nữa: Takoyaki, Okonomiyaki, thịt bò hảo hạng Kobe và món ăn tinh thần đặc biệt “trứng luộc trường sinh”.

Tako là con bạch tuộc còn Yaki là nướng nên món Takoyaki chính là bạch tuộc nướng. Takoyaki thực sự là linh hồn ẩm thực của người Osaka, khắp thành phố có tới hàng vạn tiệm bán Takoyaki, cả nước có tới trăm ngàn nơi phục vụ món này, người bán Takoyaki chẳng bao giờ ngồi mà đứng, với cái quầy quây mái che chừng hơn mét vuông. Bàn nướng cao ngang bụng, khách cũng đứng chờ chừng nào bánh nướng xong thì cho vào hộp rồi mang đi chứ không ngồi ăn. Bột bánh được thả vào những chiếc khay tròn như khay đựng trứng gà, nhân có pho mát, hành tây, bắp cải, ngô, gừng chua và dĩ nhiên là cả bạch tuộc. Khi chín, Takoyaki sẽ tròn xoe và nhỏ xinh như chiếc bánh rán, được dưới sốt và rong biển vụn lên.

Còn Okonomiyaki được coi là Pizza của Nhật Bản, khi vô tiệm bánh xèo, ngồi đó sẽ tha hồ được lãm các tiết mục Teppanyaki (nghệ thuật nướng chảo của nghệ sĩ đứng bếp), bao gồm trình diễn tung hứng đồ nướng, đùa giỡn với lửa, rồi múa cả dao, múa dĩa, múa xẻng. Nhân bánh xèo thì có bắp cải, mì Soba hoặc Udon, hành lá, gừng chua và tí thịt bò hoặc bạch tuộc. Điều đặc biệt người Nhật ăn rất ít thịt, thậm chí vào ngày Lễ Thịt họ cũng chỉ ăn khoảng 1,3 lạng thịt một ngày, vì vậy mà trong các món ăn hầu hết thành phần chính đều là rau và các loại bột.

Nhưng để nói về lối sống đặc trưng của người Nhật, có lẽ cần hai từ quan trọng nhất: Tối giản và Tiện lợi và sushi chính là đỉnh cao của ẩm thực tối giản. Nhìn cách chế biến sushi thì cầu kỳ là thế, nhưng thực ra nó lại là món tiện lợi tại đất nước này. Khi mà sushi đóng hộp được bày bán khắp các siêu thị với giá chỉ 600 yên, thậm chí tác giả còn ví món ăn quốc dân này phổ biến đến nỗi chẳng khác gì Phở với Bún chả tại Hà Nội. Đầu bếp sẽ xắt lát cá, viên cơm rồi ghém lại, đặt lên khay gỗ tí hon, sau đó khay sushi được đưa vào hộp giấy, mở ra sẽ có nào là cá ngừ, cá hồi, cá thu, cá saba, bạch tuộc, mực tươi, tôm nõn và trứng cá, cả một khay huy hoàng đầy màu sắc.

Món ăn Nhật còn có một đặc trưng nữa là lạnh, điển hình là món mì lạnh. Mì được nấu với trứng với cá đáng lẽ ra phải nóng hổi, nhưng người Nhật lại sẵn sàng ăn tất cả trong trạng thái nguội và lạnh. Cả những món cơm Bento đầy hấp dẫn được bày bán khắp nơi, nhưng luôn trong trạng thái không nóng. Theo lời tác giả nói quả thật, đất nước hoa anh đào này có lẽ đã quen ăn ba bữa với đồ ăn nguội rồi. Và còn rất nhiều, rất nhiều điều thú vị về ẩm thực Nhật nữa…

Đồ ăn chính là biểu tượng của tình yêu, khi chúng ta không có từ ngữ nào để diễn tả

 Đồ ăn chính là biểu tượng của tình yêu, khi chúng ta không có từ ngữ nào để diễn tả

2. Chuyến phiêu lưu thứ 2: Hàn Quốc – xứ sở Kim Chi và Tokbokki

Người Việt chúng ta đã không còn xa lạ gì với ẩm thực Hàn Quốc nữa, chỉ cần nhắc đến món ăn Hàn người ta sẽ không thể không nghĩ đến Kim chi, Tokbokki, cơm cuộn, cơm trộn và vô số món nữa. Chúng ta cũng không khó khăn gì để nếm thử những món ăn này tại các quán ăn, nhà hàng tại khắp mọi nơi trên đất nước. Tuy nhiên, đó chỉ là những món ăn của Hàn được nấu lại theo khẩu vị của người Việt, còn món chính gốc lại mang một hương vị rất khác.

Các quán ăn ở Hàn thường ngồi phản, trước mặt là một chiếc bàn vuông bằng gỗ, nom rất ấm cúng. Bữa ăn truyền thống của người Hàn Quốc là bữa ăn dù chỉ có một người một mâm cũng phải có rất nhiều món, dễ có hàng chục món được bưng ra. Nhưng mỗi bát chỉ một chút xíu, chủ yếu là các loại kim chi, trộn tất cả những thứ đó với cơm sẽ ra món Bi-bim-bab bao gồm: kim chi, cá cơm muối, cà tím muối, trứng gà ốp lếp, rau cải ngọt xào vừng, dầu mè, bột ớt …Khẩu phần ăn của người Hàn cực kỳ ít , cá tươi và rau tươi cũng ít và rau tươi cũng ít, chủ yếu là đồ muối. Yếu tố đánh lừa vị giác thay cho thịt là các loại kim chi và món tẩm bột chiên.

Hàn Quốc có món mì lạnh độc nhất vô nhị, món mì không thịt, loanh quanh trong bát chỉ có mỗi mì, giá đỗ, dưa chuột, lê, trứng luộc rồi rắc thêm vừng, nêm dấm, mù tạt, đã thế lại ăn với nước dùng lạnh toát mà bát mì vẫn có thể ngon lành hấp dẫn được. Còn tokbokki vốn nổi tiếng lẫy lừng chỉ là cục bột nếp đã qua chế biến rồi xào lên với ớt, tròn trùng trục, dai dai cứng cứng, ăn cứ bứ mãi trong miệng. Người ta hay ăn Tokbokki cùng chả cá, chả cá Odeng cũng là bột cá xay tráng mỏng rồi dồn lại xiên que, khi ăn chan thêm canh nóng là nước dùng hầm xương với rong biển, củ cải và hai món này luôn đi kèm với nhau được bày bán khắp mọi nơi trên đất nước Hàn Quốc. Vậy là chỉ qua vài trang sách thôi, chúng ta đã hiểu được vô số điều thú vị về đất nước Hàn Quốc rồi.

Mỗi món ăn đều mang một linh hồn riêng của cả xứ sở

Mỗi món ăn đều mang một linh hồn riêng của cả xứ sở

3. Chuyến phiêu lưu thứ 3: Vương quốc vịt quay Bắc Kinh, Trung Quốc

Ẩm thực Trung Quốc lúc nào chả đứng đầu thế giới. Nếu một ngày nào đó bỗng dưng muốn kiếm bộn tiền thì người Tàu, người thái và người Ý chỉ cần xuất ngoại, thuê một gian nhỏ mở tiệm rồi gắn cái biển vào. Thế là giàu. Tuy nhiên, để mà nấu ăn ngon thì cả Trung Hoa rộng lớn cũng có hai vùng nấu nướng rất cừ, mà nghe đồn rằng những huyền thoại về đồ Tàu và các nhà hàng nức tiếng kinh kỳ ở Chinatown trên khắp thế giới đều là nhờ đầu bếp của hai vùng này mà ra, ấy là Quảng Đông và Phúc Kiến. Dù ẩm thực Trung Hoa có tới Bát đại thái hệ, tám vùng ẩm thực chính: Tứ Xuyên, Hồ Nam, Quảng Đông, Sơn Đông, Giang Tô, Phúc Kiến, Chiết Giang, An Huy, nhưng ẩm thực Quảng Đông và Phúc Kiến lại ngon theo những cách rất khác nhau. Vì vậy mà người Trung Quốc mới có câu: “Ăn Quảng Châu, mặc Hàng Châu, ngắm cảnh Tô Châu và chết ở Liễu Châu.”

Ẩm thực Tứ Xuyên lãnh thổ của những người cuồng ớt

Người Tứ Xuyên không cần ăn nhiều thịt, một suất ăn bình thường chỉ có bát mì suông trộn dầu ớt, mấy miếng sủi cảo phủ dầu ớt, bát đậu phụ ngâm dầu ớt và vài miếng bột vuông giống bánh đúc tẩm dầu ớt. Dân ăn cay mà đến Tứ Xuyên thì như cá gặp nước, còn phàm đã là kẻ thù của ớt thì đến đây tất nhiên là phải chịu đói rồi. Nơi đây món ăn luôn được ướp sũng ớt và mỡ lợn, ớt tươi chưng với dầu, tạo một mùi thơm lâng lâng, lại thêm kết hợp cùng gia vị hạt dổi, hành sống và vài thức phụ gia lạ lùng gây tê tê, he he đầu lưỡi, nên chẳng cần đến thịt mà món nào cũng ra dáng cả. Sủi cảo Tứ Xuyên bát to tướng cũng chỉ có 13 tệ, được những hai chục viên sủi, chan nước sâm sấp, bên trong có tương, đường, nước và mỡ lợn đông..Bát sủi đỏ hồng, ngọt ngào, béo ngậy vị mỡ lợn, cay cay xuýt xoa dậy hương dầu ớt. Ngay cả mì suông trộn cũng ảo diệu nhờ nhiều vào món ớt chưng dầu này. Và một phần đặc biệt ở Tứ Xuyên, mà khi đến Thành Đô nhất định phải thử – lẩu cay mà có lẽ nên thay sang thành “lẩu ớt”. Lẩu ẩy đỏ rực như lá cơ, trên nổi váng dầu ớt và lềnh bềnh thêm trăm quả ớt khô. Ngay cả người Hàn, người Thái, Người Hung cũng phải chào thua người Thục Hán.

Món ăn dành cho Hoàng Đế

Đồ ăn Tàu luôn dẫn đầu thế giới mà vịt quay Bắc Kinh lại là món ngon nhất của người Tàu. Món ăn huyền thoại này mới cầu kỳ làm sao, đúng kiểu là phải cắt được 120 miếng với ba phần: da, nạc và cả da lẫn lạc. Mỗi loại lại được ăn kèm với một thứ nước chấm khác nhau như tỏi trộn đường, mù tạt, nước tương đậu nành. Riêng da vịt sẽ được cuốn bằng bánh tráng cùng với các loại gia vị khác. Phần cao quý nhất của con vịt chính là món này đây, da vịt dày phồng tướng lên mà giòn tan, béo ngậy hòa cùng vị thơm bùi, mềm dẻo của bánh tráng, vị chua ngọt đê mê của nước chấm và vị hăng cay của hành sống. Khi ăn tại Bắc Kinh chúng ta còn được chiêm ngưỡng chính tài múa dao của đầu bếp tại ngay trước mặt thực khách.

Có lẽ do ẩm thực Trung Quốc đa dạng và đầy hấp dẫn thế lên người ta mới có định nghĩa “Hạnh phúc là được ăn cơm người Tàu, Ở nhà người Anh, Lĩnh lương người Mỹ và lấy vợ người Nhật”.

4. Chuyến phiêu lưu thứ 4: Một chút cay nồng như đồ ăn Thái, một chút mộc mạc như đồ ăn Lào và rất nhiều đặc biệt trong đồ ăn vùng Châu Á

Lào là một trong số hiếm hoi các dân tộc không sở hữu biển, địa phận bị kẹp giữa Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Myanmar và Trung Quốc nên quanh năm người Lào chẳng biết đến hải sản. Nhưng cũng chính vì lẽ ấy mà các đầu bếp Lào nấu món cá sông, cá suối tuyệt ngon. Các loại cá từ sông Mê Kông sẽ được nấu thành canh, có đến dăm loại canh khác nhau cũng được gọi là Tom Yum như của người Thái. Cá nấu theo kiểu Lào ngay cả người ghét ăn cá cũng khó mà từ chối, cá tươi béo ngậy, ngọt lừ như ủ hết tinh túy của lòng nước vào từng thớ thịt. Chả còn từ nào khác hơn để diễn tả cảm thức khi chén đẫy món Tom Yum Mê Kông ngoài “đê mê’’. Ngoài ra, còn món lạp xưởng Lào, chúng đặc biệt và lạ lắm khi được nhồi thêm lá chanh, sả, ớt, hành của và được chấm với một gia vị thiên đường là hỗn hợp thơm nức nước sốt từ cốt chanh, ớt, sả, hành củ khiến món ăn này trở lên ngon vô cùng.

Kết thúc ẩm thực Lào chúng ta cùng đến với Thái, một đất nước vốn nổi danh với các món gỏi và đồ cay. Cà ri Massaman của thái vốn được mệnh danh là vua của các loại cà ri, vui của thế giới ẩm thực. Bát cà ri Thái là những bát cà ri xanh, đỏ, vàng sặc sỡ màu, quyến rũ bởi vẻ mềm mại đầy hấp dẫn của nước cốt dừa, lá chanh Thái, sả thơm, đường thốt nốt và đặc biệt là ớt. Vị ngọt của đường, béo ngậy của nước cốt dừa và hương cay chói chang của ớt. Bát cà ri ấy mà trộn với xôi nếp nương được gieo trồng trên những triền đồi Thái Lan thì người ăn cứ gọi là “thủng nồi trôi rế”. Đến Thái còn có một món nhất định phải thử nữa đó chính là Tom Yum Thái, món canh chua này quả là tuyệt tác của thế gian. Nước canh tinh chất không gì sánh nổi, vị thơm ngát bay bổng của lá chanh Thái, sả tươi, giềng non, ngò gai, húng quế quyện lấy hương chua dịu của cốt me, thơm ngậy của cốt dừa, ngọt lịm của xương ninh và đường thốt nốt và trong bản Tango dặt dìu điêu luyện của vị giác ấy, nốt ngân diễm tuyệt cuối cùng sẽ là vị cay xé lưỡi, cay đến choáng váng cay đến ù tai. Nhìn bát Tom Yum người ta sẽ ngay lập tức tự động chảy nước miếng.

Kể đến ẩm thực Châu Á thì chắc chắn không thể quên nền ẩm thực Ấn Độ. Ấn Độ nổi tiếng với món cà ri, tất cả các món hầu như đều được chế biến thành cà ri nhưng hiềm nỗi cao lương mỹ vị cũng chỉ có gà, cá nấu cà ri hoặc nướng lên do người Ấn không ăn thịt bò, lợn, chim hay bất cứ con gì khác. Rau cũng nấu thành cà ri, các loại rau củ của họ vô cùng đa dạng nhưng chủ yếu là rau củ không có rau lá. Nhưng đồ ăn sau chế biến của họ thì vô cùng nhạt, bởi thực phẩm gì thì cũng được nấu ra thành cà ri, ngày nào cũng món cà rốt, súp lơ, đậu Hà Lan ninh nhừ. Ở Ấn có hai món vô cùng danh tiếng đó là Nan pho mát và Lassi sữa chua. Sữa chua của Ấn ngon có danh tiếng. Nó thơm mùi đồng nội và béo ngậy như một ly kem, uống một tách là tỉnh cả người, vừa tan cơn đói vừa giã cơn khát. Chính vì vậy người Ấn không thể sống ngày nào thiếu hai món này được. Đúng như câu nói “Ẩm thực hàng ngày phản ánh rõ nhất tính cách của dân tộc đó”, thì chắc hẳn người Ấn vô cùng khó hiểu và đồ ăn thì huyền bí không kém.

Một phần của Châu Á, đất nước Nga xinh đẹp, nơi mà quanh năm lạnh giá, và cũng chính vì cái lạnh đến xé thịt ấy mà nền ẩm thực Nga cũng mang một nét rất riêng. Đồ ăn của họ hầu hết đều là đồ muối rất ít có đồ tươi. Họ muối tất cả những gì có từ mùa hè để dự trữ cho mùa đông: tỏi, cọng tỏi, cà chua, củ cải, bắp cải, dưa chuột, cá thịt, cả mỡ nữa. Họ xông khói tất cả những gì có thể xông: cá hồi, cánh ngỗng, chân giò…phần thịt còn lại thì xay ra làm xúc xích Salami, họ ủ men tất cả những gì có thể như nước Kvas chẳng hạn. Họ cho cá trích vào ngâm trong dầu, tha hồ để từ năm này qua năm khác. Còn đồ tráng miệng, trái cây thì hoặc là làm mứt đóng lọ hoặc là sấy khô thành nho khô, mận khô chẳng hạn. Tóm lại hiếm có thứ gì tươi cả. Vì vậy nếu đến Nga bạn nhất định phải thử món bánh mì cùng mứt, hoặc bánh mì đen cùng cá trích, bởi cá trích là một món ăn đặc biệt của Nga mà.

Lễ ra mắt bộ sách tuỳ bút của nhà văn Di Li: Nửa vòng trái đất uống một ly trà

Lễ ra mắt bộ sách tuỳ bút của nhà văn Di Li: Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa  và Nửa vòng trái đất uống một ly trà

5. Chuyến phiêu lưu thứ 5: Ẩm thực xứ sở Châu Âu

Người Ý nấu ăn ngon, người Pháp nấu ngon không kém, người Pháp ủ rượu vang và nướng bánh ngon đến nỗi vang Pháp được làm giả ở khắp mọi nơi, còn các tiệm bánh Pháp ăn nên làm ra trên toàn thế giới. Ẩm thực Pháp hiếm khi được lọt top danh sách ẩm thực ngon nhất thế giới, nhưng bánh sừng bò croissant thì ngoại lệ. Các quản bánh Pháp thu hút khách ăn chỉ vì sự quyến rũ của bánh sừng bò còn những loại khác như những chiếc Macaron xanh đỏ, Muffin ngọt ngào hay Donut sũng chocolate cũng chỉ là để trang hoàng lộng lẫy thêm cho vương quốc bánh mà croissant chính là vương hậu dù công thức vỏn vẹn chỉ có bột mì, men, bơ, sữa và muối. Nhưng mùi thơm của croissant khiến ngay cả người vừa thức giấc vào sáng sớm cũng phải thèm nhỏ dãi. Bởi vậy, mà khi đến Pháp nhất định phải ăn bánh sừng bò cũng như đến Ý nhất định phải thử Pizza.

Pizza chính gốc của người Ý rất đặc biệt khi được bỏ lò bằng thứ nước sốt cà chua tươi thơm ngon thay vì sốt cà đóng hộp. Cả spaghetti và pasta cũng là loại thượng hảo hạng dù bạn chỉ ghé vào một nhà hàng bình dân. Bởi sau khi ăn pizza, spaghetti, pasta lasagna và uống cappuccino, mochaccino, latte, espresso ở giữa thành Rome, trong một nhà hàng đậm hương vị Ý dễ tưởng đâu mình đang đóng phim Kỳ nghỉ hè ở Rome.Trong nhiều thế kỷ, đồ ăn Ý luôn được sách vở ghi nhận là ẩm thực ngon nhất thế giới và pizza Neapolitan thì xếp vị trí thứ hai trong top 50 món ăn ngon nhất thế giới do độc giả của CNN bình chọn, vì vậy mà dù pizza có ngao du đến nhiều đất nước khác trên thế giới cũng chẳng nơi nào có thể làm ra hương vị rất riêng như tại Ý.

Nếu bạn là một người cuồng cà phê thì việc không được thử cà phê tại Vienne là một nuối tiếc lớn. Cà phê Vienna thì sao? Là không khí rất hoàng gia, đậm chất nghệ thuật, nó không loãng toẹt như cà phê Singapore, không ngào ngạt như mùi nước hoa của cà phê Ý, lại càng không có màu đen đặc trưng của cà phê Việt Nam. Không hẳn là do hương vị đặc sắc nhất mà khung cảnh Vienne mà mới chính là yếu tố khiến cho cà phê nơi đây được mệnh danh là cuốn hút.

Ngoài ra, còn rất nhiều điều đặc biệt về ẩm thực trên đất Âu nữa, ví dụ như cá tuyết tại Bồ Đào Nha, cá trích Hà Lan, rồi cơm rang Paella của Tây Ban Nha.. Mỗi nền văn hóa lại sản sinh ra một nền ẩm thực khác nhau, và tác giả Di Li đã may mắn được thưởng thức qua hầu hết những nền ẩm thực đó. Có thể bạn nghĩ, món ăn của họ đều rất ngon, nhưng thực ra lại có rất nhiều món kỳ lạ và khó ăn đến nỗi người ăn chỉ ước chưa từng “nếm thử””. Bạn hãy đọc cuốn sách này và cảm nhận thêm nhiều điều thú vị khác nữa nhé, vì còn rất nhiều, rất nhiều món ăn mà chưa được kể hết tại đây.

Review Sách: Nửa Vòng Trái Đất Uống Một Ly Trà

Mua tại Tiki Mua tại Fahasa Mua tại Shopee

Lời kết:

Ẩm thực luôn là đề tài hấp dẫn muôn thuở, có rất nhiều món ăn là đặc sản của quốc gia họ nhưng chúng ta ăn lại chẳng thấy hợp, cũng có rất nhiều món chúng ta khao khát được thử một lần nhưng lại vỡ òa vì sự không phù hợp hương vị. Bạn tò mò làm cách nào để hiểu biết được về hương vị của chúng? Thì câu trả lời là bạn hãy đọc Nửa vòng trái đất uống một ly trà của tác giả Di Li, vì xuyên suốt cuốn sách là những câu chuyện trải nghiệm ẩm thực của chính tác giả về các món ăn, có khen, có chê, có đánh giá về hương vị, màu sắc rõ ràng. Qua cách miêu tả khéo léo, đặc tả tinh tế bạn sẽ sớm có được cái nhìn bao quát về ẩm thực thế giới. Và yên tâm là bạn sẽ biết được những món ăn nào nên thử, và không nên thử khi đến với vương quốc của họ, giống như một bản hướng dẫn trước khi đi du lịch vậy.

Nguồn: Ybox.vn

Nguồn: https://www.reader.com.vn/review-sach-nua-vong-trai-dat-uong-mot-ly-tra-a69.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *