Bắt nạt học đường

Bắt nạt học đường

Bạn đang xem bài viết Bắt nạt học đường được Vinabooks.vn tổng hợp sưu tầm từ trang Reader.com.vn các bạn hãy truy cập trang để mua sách ủng hộ đội ngũ có thêm kinh phí ra những bài viết hay hơn nhé.

Từ bao lâu nay, nạn bắt nạt học đường đã trở nên không còn xa lạ và có thể dễ dàng bắt gặp ở bất cứ môi trường học tập nào. Tuy không phải một vấn đề mới, nhưng nó vẫn luôn là nỗi ám ảnh của rất nhiều người (trong đó có cả phụ huynh lẫn học sinh, sinh viên)

  • Sau vỏ bọc hoàn hảo em cũng chỉ là một cô gái thôi
  • Tản Văn – Mùa hạ của tôi
  • Cuốn vở ký ức

Bắt nạt học đường

Đầu tiên, ta hãy cùng đến với khái niệm của nó. Bắt nạt học đường là hành vi tiêu cực, dùng sức mạnh thể chất hay tinh thần để đe dọa, làm tổn thương đến người khác của một hoặc nhiều học sinh đối với những cá nhân khó khăn trong việc tự bảo vệ bản thân mình. Như vậy, ta có thể nhận thấy, bắt nạt học đường chia ra làm hai loại: một là bắt nạt về thể chất, và hai là bắt nạt về tinh thần.

Bắt nạt về thể chất bao gồm những hành vi sử dụng bạo lực như đánh nhau giữa các bạn học, các dạng trêu chọc quá mức, thậm chí là hiếp dâm và quấy rối tình dục, v.v… Bắt nạt về tinh thần bao gồm những hành vi sử dụng lời nói, hành động gián tiếp để gây tổn thương cho những người bị bắt nạt. Ví dụ như: chê bai, nhục mạ về hoàn cảnh, về xuất thân hoặc về một vụ việc nào đó; “body shaming”; dọa dẫm, yêu cầu phục tùng,…. Tất cả những hành vi nêu trên đều có thể, đã, và sẽ để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng và khó lường.

Mọi người biết tới Youtuber “Giang ơi!” chứ? Cô ấy cũng từng là nạn nhân của việc bắt nạt học đường. Khi bị các bạn học xa lánh không vì một lý do rõ ràng nào cả, chắc hẳn ai cũng sẽ cảm thấy vô cùng hoang mang và áp lực. Hoang mang vì không biết rằng bản thân mình đã làm gì sai, áp lực vì không biết phải cư xử làm sao để được mọi người chấp nhận và có thể hòa vào với tập thể. Cá nhân tôi cũng đã từng như thế. Nếu như đối với những người khác, quãng thời gian học trò hồn nhiên, ngây thơ mới thật đẹp đẽ và trong trẻo; thì đối với tôi, với những người bị bắt nạt học đường thì nó lại hoàn toàn ngược lại: thật là kinh khủng. Tôi đã từng mong được nhanh chóng thoát khỏi nó… Đã có không ít những vụ bắt nạt học đường, dẫn đến cái kết bi thảm, nhất là cái chết.

Vậy, nguyên nhân do đâu mà nạn bắt nạt học đường lại tồn tại? Có rất nhiều yếu tố dẫn tới việc bắt nạt học đường xảy ra.

Trước tiên, đó là yêu tố tới từ chính các bạn học sinh, sinh viên. Phần nhiều những vụ bắt nạt học đường xảy ra ở các cấp Trung học Cơ Sở và Trung học Phổ Thông (cấp 2 và cấp 3). Bởi, đây là độ tuổi mà chúng ta mới lớn, độ tuổi mà chúng ta chưa thực sự trưởng thành nhưng cũng không còn là những đứa trẻ con ngây ngô ngốc nghếch nữa. Ở độ tuổi này, con người ta thường có xu hướng học theo những gì nổi trội, phá cách mà không cần phân biệt là sai hay đúng. Ở độ tuổi này, chúng ta chưa thể tiết chế được cảm xúc, cách cư xử nội tâm hay biểu lộ. Ở độ tuổi này, con người ta thường muốn mình hơn người khác, không chịu thua kém, học đòi theo những thói hư tật xấu và cho rằng như thế là trưởng thành, là hơn người, là tỏ vẻ,… Từ đó, những ông “trùm trường”, những “anh lớn”, “chị đại” của trường học, của lớp học ra đời. Chúng tự cho mình cái quyền làm những gì mình thích mà không cần để ý đến cảm xúc của mọi người. Chúng tự cho mình là “trên cơ” những người cùng trang lứa, tự cho mình được quyền “dạy dỗ” những ai làm chúng thấy không vừa mắt, được quyền lấy người khác ra để mua vui, giải trí… Hơn thế nữa, khi ta chưa thể phân biệt rõ hết đúng sai, ta thường chọn luôn đứng về “phía đông” hơn là “phía đúng”. Vậy cho nên dù có bao nhiêu người chứng kiến những hành vi sai trái thì nạn bắt nạt học đường cũng sẽ không dừng lại. Và, những người bị bắt nạt sẽ luôn luôn bị bắt nạt, trừ khi được chuyển tới một môi trường mới.

Thứ hai, phải kể đến yếu tố môi trường. Phải sống trong một môi trường thế nào thì một số người mới có những hành vi thái quá và đáng trách như vậy. Người ta thường nói, “Gần mực thì đen gần đèn thì sáng”. Nếu như trong môi trường xung quanh toàn những con người xấu, thì chắc hẳn bạn cũng sẽ khó mà tốt đẹp. Những con người xung quanh ấy, không phải chỉ là bạn bè hay cộng đồng, mà còn là phụ huynh, là thầy cô. Có không ít những bậc phụ huynh luôn quá nuông chiều con cái, cho rằng con mình luôn luôn là nhất, kể cả khi con họ sai thì cũng không cần phải xin lỗi. Cho nên, những đứa trẻ ấy cũng sẽ nghĩ như vậy, nghĩ mình là nhất và không coi những người khác là gì hết. Ngược lại, sự quá nghiêm khắc của bố mẹ cũng có thể tỉ lệ thuận với mức độ hung hăng của thanh niên. Vậy nên, là những bậc phụ huynh, xin hãy hiểu rõ con mình và dạy dỗ chúng một cách cẩn thận và hợp lý. Ở một khía cạnh khác, sự can thiệp của giáo viên vào những vụ bắt nạt học đường không nhiều. Thậm chí, họ không biết trong lớp học của mình có xảy ra bắt nạt học đường. Phải chăng, những giáo viên vẫn còn hơi thờ ơ, vẫn còn nghĩ rằng học sinh tranh chấp nhau một chút là bình thường không đáng để tâm? Hoặc, có thể do khoảng cách thế hệ nên giáo viên chưa thể thực sự hiểu tâm lý của học sinh để có thể giải quyết kịp thời những vụ việc như thế!

Không chỉ ở Việt Nam, mà ở khắp nơi trên thế giới nạn bắt nạt học đường vẫn đang tiếp diễn. Chúng ta phải làm gì để có thể ngăn chặn và giảm thiểu điều ấy? Thứ nhất, chính những học sinh và sinh viên cần phải thay đổi suy nghĩ và hành động của mình. Để có được điều đó, những người lớn phải cố gắng không ít. Hãy tạo cho con em mình môi trường sống và học tập thật là lành mạnh. Hãy quan tâm những đứa trẻ vị thành niên nhiều hơn nữa. Đừng coi chúng là trẻ con mà quản giáo nghiêm khắc quá mức, ở độ tuổi ấy, con người đã nhận thức được nhiều điều và có suy nghĩ riêng. Các bậc phụ huynh, các giáo viên hãy cùng sẻ chia và tâm sự với con cái, với học viên như những người bạn lớn, để tinh thần họ được giải tỏa. Đừng cấm đoán, bởi “càng cấm càng làm”. Hãy thấu hiểu và khuyên nhủ một cách chân thành và nhẹ nhàng nhất để họ có thể sửa chữa những điều chưa đúng. Giữa bạn học với nhau, hãy nhường nhịn và tha thứ nhiều hơn. Nếu chúng ta học cùng lớp, cùng khối, nghĩa là chúng ta bình đẳng. Đừng cố tỏ ra thượng đẳng, bởi như thế không hay chút nào! Đồng thời, nhà nước và các cơ quan giáo dục cũng cần có những biện pháp để ngăn chặn và giải quyết những vấn đề này.

Thật mong rằng, tuổi học trò của mỗi người đều sẽ được là những ngày tháng vui vẻ và hạnh phúc. Thật mong rằng, sau này khi trưởng thành, nhớ về tuổi học trò ta sẽ không tiếc nuối bởi những lỗi lầm, những tổn thương mà ta lỡ gây cho ai đó khác. Không ai được chọn cho mình xuất phát điểm của cuộc đời, nhưng ta có thể chọn cách sống sao cho thật đẹp đẽ. Ai sinh ra cũng xinh đẹp, đừng dùng ý kiến riêng của mình để chê bai, xa lánh người nào đó khác!

Mong rằng, tới một ngày nào đó, nạn bắt nạt học đường sẽ hoàn toàn chấm dứt và biến mất ở mọi nơi trên thế giới này!

Viết bởi Bùi Ngọc

Nguồn: https://www.reader.com.vn/bat-nat-hoc-duong-a418.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *