Bạn đang xem bài viết Trốn lên mái nhà để khóc – Ai cũng cần được chữa lành được Vinabooks.vn tổng hợp sưu tầm từ trang Reader.com.vn các bạn hãy truy cập trang để mua sách ủng hộ đội ngũ có thêm kinh phí ra những bài viết hay hơn nhé.
“Trốn lên mái nhà để khóc” cuốn sách chữa lành vết thương cho những đứa trẻ đi ra từ tổn thương của gia đình.
Đôi nét về tác giả Lam
Lam (Hồ Dương Mộng Tuyền)
Dù thật nhỏ bé so với nỗi buồn của bạn, nhưng mình ở đây. Cảm ơn bạn đã lựa chọn quyển sách này, mong bạn luôn được yêu.
Sách đã phát hành:
Đi vòng thế giới vẫn quanh một người, Mẹ từng là con nít,…
Cảm nhận về sách
Tuổi thơ của những đứa trẻ ở nông thôn là chiều nào cũng đi thả diều, đi chơi cùng lũ bạn trong xóm. Nhiều đứa trẻ bố mẹ đi làm ở thành phố được gửi cho ông bà vậy là tuổi thơ của chúng lại gắn liền với ông bà. Bếp đun sôi lửa cùng hình ảnh người bà tần tảo nấu từng bữa cơm cho mấy đứa cháu khiến ai trong chúng ta đều xúc động. Sau này, lớn lên đi học xa ở thành phố người ta chẳng ai dùng bếp lửa nữa. Nỗi nhớ về bà lại không nguôi, nhà ông bà tivi không có nhiều kênh, wifi cũng chẳng có nhưng ngôi nhà ấy luôn đong đầy tình yêu thương của ông bà.
Ngày bé chỉ ước lớn thật nhanh để được đi nhiều nơi, được khám phá thế giới vậy mà khi lớn rồi chỉ ước quay về làm đứa trẻ được nằm trong vòng tay bà. Mỗi chiều được nghe bà đọc thơ, được nũng nịu với bà mà chẳng cần phải bận tâm cuộc sống ngoài kia có bao nhiêu vất vả. Cuộc sống chỉ đơn giản là được tận hưởng tuổi thơ của mình, được vui chơi thỏa thích mà chẳng cần phải nghĩ ngợi nhiều.
Có những đứa trẻ sẽ đợi được ai đó ôm chúng vào lòng, có những đứa trẻ thì không
Ngày bé có những đứa trẻ thích trốn lên mái nhà bởi vì đây được xem là nơi yên tĩnh nhất và cũng là nơi gần với bầu trời. Ở đây lũ trẻ có thể ngắm nhìn những vì sao trên cao để chúng biết được cuộc sống của chúng vẫn còn ánh sáng, những mơ ước về tương lai tươi đẹp phía trước lại được sống trong chúng.
Không phải đứa trẻ nào cũng được người lớn yêu thương, có những đứa trẻ phải lớn lên bằng đòn roi, bằng sự nhục mạ nặng nề của người thân. Thế nên định nghĩa về nhà của mỗi người không giống nhau, có người tìm về nhà để chữa lành những tổn thương cũng có người mang những tổn thương bước từ nhà ra.
Đến một thời điểm bất ngờ nào đó, khi bạn đang ngồi trong quán cà phê, bạn đang ngồi ở nhà, bạn đang nằm trên giường và bỗng nhớ lại khoảng thời gian mình đã chật vật vượt qua khó khăn ở quá khứ. Sau đó ngẫm lại chính nhờ những sự việc ấy chúng ta mới có thể trưởng thành như hiện tại.
208 trang sách Trốn lên mái nhà để khóc là những bài tản văn, bài thơ về gia đình và ký ức tuổi thơ, nó giống như một bộ phim về ký ức tuổi thơ của mỗi người mà ở đó bạn sẽ bắt gặp hình ảnh của người bà, của những trò chơi thơ ấu và cả những tổn thương của chúng ta.
Có những chuyện luôn nằm sâu trong trái tim chúng ta khó có thể quên… ví như ngày bé rất sợ ăn trái cây nuốt hạt sau đó trên đầu chúng ta sẽ mọc cái cây, hay không ngủ trưa sẽ không được ông già noel thưởng quà,… rất nhiều những lời nói của người lớn khảm sâu vào tâm trí của chúng ta. Mùi cơm bà ngoại nấu, tiếng xe mẹ đi làm về, tiếng mấy đứa nhỏ trong xóm nô đùa… chưa bao giờ chúng ta quên.
Hôm nay em mệt rồi để bản thân dừng lại, nghỉ ngơi một chút. Nếu tâm trạng không vui đừng bắt ép bản thân phải làm việc, tổn thương đừng giữ trong lòng hãy mang nó san sẻ với người khác, biết đâu được nói ra rồi bản thân sẽ thấy thoải mái hơn. Em chính là phiên bản tuyệt vời nhất ở thời điểm hiện tại, em mỉm cười rất xinh xắn và đừng quên rằng em phải luôn giữ nụ cười trên môi.
Khó khăn ngoài kia là chuyện thường tình, chúng ta muốn hay không cũng chẳng thể né tránh, thôi thì mình cùng đối diện với vấn đề. Khi trải qua rồi mới thấy khó khăn như chuyện bình thường. Tích cực hay tiêu cực người giải quyết vấn đề cũng là ta vậy nên hãy dùng thái độ tích cực để nhìn nhận vấn đề, như vậy chẳng phải tốt hơn sao?
Khi em bị quá tải đừng vội giải quyết vấn đề, bình tĩnh lại một chút, ngẫm nghĩ lại mọi chuyện. Lúc này mình nghỉ ngơi một lát, lấy lại năng lượng sau đó tiếp tục chiến đấu với cuộc sống này cũng chưa muộn. Chúng mình đâu cần ngày nào cũng phải năng lượng tích cực khi bản thân đang cảm thấy mệt mỏi. Hãy sống thật với cảm xúc của mình, dù đó là tích cực hay tiêu cực đều đáng trân trọng. Chúng mình không cần đòi hỏi cuộc sống ngày nào cũng phải đối xử dịu dàng với bạn, nếu cuộc sống quá khó khăn vậy thì mình đối xử dịu dàng với chính mình!
Trích đoạn hay trong sách
Tiếng thở dài của người lớn như những con sâu đo gặm xé đám rau, chúng nhao nhao trên mảnh vườn bên trong trái tim của từng đứa trẻ. Bọn trẻ con làm sao có thể hiểu được tiếng thở dài. Chúng chỉ mơ hồ biết rằng có một chiếc lồng đang giam giữ nụ cười của người lớn và nhốt cả những ước mơ của chúng ở bên trong.
Những mùa gió trước, mỗi khi bất chợt nhìn lên bầu trời và thấy cánh diều của ai đó tung bay, em đã tiếc nuối mãi cánh diều trong lời hứa năm nào của mẹ. Giá mà mẹ còn ở nhà để bầu trời rộng lớn, chắc trái tim em sẽ sống trọn vẹn với sự ngây ngô cuối cùng của ấu thơ, để em không sống trong ngày thơ ấu này mà cứ mơ về một ngày thơ ấu khác.
Lời kết
Cuộc sống vội vã, tấp nập ngoài kia đôi khi khiến chúng ta quên mất sự vui vẻ, hạnh phúc. Bạn cần bước chậm lại, lật mở từng trang sách của Trốn lên mái nhà để khóc để Lam giúp bạn tìm lại ký ức của tuổi thơ, an ủi và vỗ về bạn nhé!
Reader hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn tìm được cuốn sách phù hợp với bản thân. Chúc bạn đọc sách vui vẻ.
Nguồn: https://www.reader.com.vn/tron-len-mai-nha-de-khoc-ai-cung-can-duoc-chua-lanh-a965.html