Đoàn kết và ích kỷ

Đoàn kết và ích kỷ

Bạn đang xem bài viết Đoàn kết và ích kỷ được Vinabooks.vn tổng hợp sưu tầm từ trang Reader.com.vn các bạn hãy truy cập trang để mua sách ủng hộ đội ngũ có thêm kinh phí ra những bài viết hay hơn nhé.

Ông bà ta có câu:

Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết

Để răn dạy con cháu về sự đoàn kết trong cuộc sống này cũng như những bài học quý giá và đầy thấm thía về thói ích kỷ không biết đoàn kết, sẻ chia.

  • Những điều nên trải nghiệm khi còn trẻ
  • Đã bao lâu rồi bạn chưa ăn cơm cùng ba mẹ?
  • Sống với lòng biết ơn để cuộc đời luôn đong đầy ý nghĩa

Đoàn kết và ích kỷ

Tôi từng được nghe một câu chuyện kể về sáu con người cùng mắc kẹt trong một cái hang tối và lạnh, mỗi người trong số họ đều tìm được cho riêng mình một que củi nhỏ, nhưng trong khi đống lửa chính đang lùi dần, lại chẳng có ai chịu bỏ que củi của mình vào để duy trì sự cháy. Thay vì chia sẻ cùng nhau những que củi, họ lại ích kỷ tìm cho mình những lý do: người vì phân biệt chủng tộc, người vì đẳng cấp giàu nghèo, người vì khác biệt ngoại hình, tôn giáo,… mà không một ai dám hy sinh que củi. Để rồi, đám lửa to cứ thấy lụi dần, cả đoàn người cứ như vậy chìm vào trong bóng tối. Sáng hôm sau, khi Đội Cứu Hộ đến nơi, cả sau người kia đều đã chết và có lẽ đúng như lời truyện: “Họ không chết vì cái lạnh bên ngoài, mà chết vì sự buốt giá trong sâu thẳm tâm hồn.”

Vậy sự buốt giá trong sâu thẳm tâm hồn ở đây là gì? Phải chăng đó là sự thờ ơ, vô tâm, lạnh nhạt trước sự sống, cái chết của con người? Phải chăng là thói ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân của sáu con người kia? Phải chăng là sự ỷ lại, dựa dẫm, là sự chia rẽ mất đoàn kết của họ? Phải chăng là tâm hồn họ đã lạnh lẽo đến mức, chẳng còn đủ chỗ cho hơi ấm, cho tình yêu thương của con người nữa! Giá như họ chịu đoàn kết lại, chịu mở lòng ra thì mọi việc đã khác! Giá như họ chịu mỗi người hy sinh một ít lợi ích cá nhân, thì có thể họ đã sống! Giá như họ chịu bỏ qua những khác biệt về ngoại hình, về con người, chịu đoàn kết lại để giữ cho ngọn lửa to kia còn cháy thì có lẽ hôm sau, họ đã đã chiến thắng số phận và sống sót cùng nhau!

Người ta vẫn hay nói:

Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực, mà là nơi thiếu vắng tình thương

chính là vì thế. Sáu con người kia vì thiếu đi tình thương, vì chia rẽ, vì không biết sẻ chia đùm bọc nhau, vậy nên họ chết. Sáu con người không biết buông xuống cái tôi cá nhân, ích kỷ, ganh ghét, đố kỵ, chỉ trích lẫn nhau, không biết thế nào là đoàn kết. Sáu con người ấy được tìm thấy đã chết cóng vào sáng hôm sau, nhưng có lẽ, phần “người” trong họ đã chết từ trước đó rồi!

Như vậy, cái giá phải trả cho thói ích kỷ của mỗi chúng ta là vô cùng lớn, vô cùng khắc nghiệt, nếu ta cứ khư khư ôm những thứ tốt đẹp cho riêng mình – như những người trong câu chuyện khư khư ôm que củi nhỏ – nếu ta chỉ chờ đợi được nhận về mà chẳng chịu cho đi thì sớm muộn ta cũng sẽ bị vấp ngã, bị nuốt chửng trong sự ích kỷ của chính mình, bị bài trừ khỏi thế giới hỗn độn và khắc nghiệt ngoài kia.

Nhưng như thế nào thì được gọi là đoàn kết? Làm thế nào ta mới có thể đoàn kết nhau lại, để cùng nhau đi tới bước đường thành công? Đoàn kết có nghĩa là tụ lại, là biết hợp thành một khối thống nhất, cùng hoạt động vì một mục đích chung không chia rẽ. Đoàn kết là khi, ta cùng nhau giải một bài toán khó, là khi ta cùng thảo luận về một bài văn hay, khi ta cùng giúp đỡ lẫn nhau trong học tập. Đoàn kết là khi, những người lính cùng kề vai sát cánh “súng bên súng đầu sát bên đầu” cùng đánh đổi sự an toàn và tính mạng, tâm cùng hướng về hòa bình, tự do của Tổ Quốc. Đoàn kết là ta cùng nhau đứng lên đòi quyền sống, quyền bình đẳng cho những người da màu trên khắp thế giới, là lúc ta biết cất tiếng nói phản bác nạn phân biệt chủng tộc, phân biệt tôn giáo, phân biệt đẳng cấp giàu nghèo hay phân biệt đối xử giữa nam và nữ. Đoàn kết còn là biết hành động đúng mực để góp phần vào công cuộc chống lại đại dịch covid-19 của toàn thế giới, là chấp hành lệnh cách ly,  giãn cách xã hội, là khai báo y tế đúng sự thật và giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và chia sẻ thông tin chính xác. Như vậy, đoàn kết có thể được biểu hiện ở những điều lớn lao vĩ đại, nhưng cũng có thể chỉ là những hành động giản đơn, những hành động nhỏ bé hàng ngày mà ta vẫn hay được chứng kiến.

Kể về tấm gương tiêu biểu của sự đoàn kết, không thể không nhắc đến câu chuyện hai nam thanh niên Minh Hiếu và Tất Minh – 10 năm cõng bạn đến trường, một anh bị khuyết tật, chẳng thể đi lại nhưng bằng tình thương yêu, bằng sự đoàn kết đồng lòng người bạn kia vẫn kiên trì cõng bạn mình đi học trong suốt những ngày tháng tuổi học trò mặc cho đường đến trường có gian nan, có đầy những “ổ voi” , “ổ gà”, đôi bạn ấy cũng không bỏ cuộc, không rời xa nhau. Đó chính là một tình bạn diệu kỳ, một tình bạn đáng trân trọng và tôi tin chắc rằng, tương lai phía trước sẽ rộng mở để đón chào hai anh bước tới! Thử hỏi nếu không vì tình yêu, không vì tình đồng chí và sự đoàn kết đồng lòng liệu hai chàng trai trẻ ấy có đi cùng nhau được đến tận bước đường ngày hôm nay!?

Vậy mới thấy, sự đoàn kết ấy mang lại cho chúng ta thật nhiều lợi ích, bởi chúng ta vẫn biết đến câu nói rằng:

“Muốn đi nhanh hãy đi một mình

Muốn đi xa hãy đi cùng nhau”

Đi cùng nhau, để ta có được những người bạn đồng hành trong cả sự nghiệp lẫn cuộc sống. Đi cùng nhau, để bổ sung những khiếm khuyết của nhau, để tạo thành một khối hoàn hảo nhất, để “lá lành đùm lá rách” và “lá rách ít lại đùm lá rách nhiều”. Đi cùng nhau để khi thành công, ta có người cùng sẻ chia niềm vui chiến thắng, khi thất bại hay vấp ngã, sẽ có người đỡ ta dậy và cùng ta bắt đầu lại. Đi cùng nhau để tiến xa hơn, để bay cao hơn, để tự tin hơn, mạnh dạn hơn và đạt đến thành công dễ dàng hơn.

Thế nhưng, đâu phải ai cũng muốn sẻ chia, muốn góp sức với mọi người xung quanh? Đâu phải ai cũng có đủ can đảm để cho đi và không mong nhận lại gì? Đâu phải ai cũng muốn hòa nhập, muốn đoàn kết, muốn cùng sẻ chia? Đâu đó vẫn còn có những người chỉ chờ ăn sẵn, vẫn luôn ỷ lại và mọi người xung quanh, lấy danh nghĩa là cùng làm nhưng thật ra lại chẳng hề đóng góp mà chỉ chờ hưởng kết quả. Đâu đó vẫn còn có những con người ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho mình, sẵn sàng phản bội cả bạn bè và đồng đội, sẵn sàng “dìm” người khác xuống để nâng cao giá trị của bản thân. Thật đáng buồn, thật đáng chê trách!

Tuy nhiên đó cũng chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh” mà thôi, bên ngoài thế giới kia, vẫn còn có biết bao nhiêu người đáng để ta học tập, bởi tấm lòng cao cả của họ. Họ là những người luôn biết rèn luyện tri thức cho bản thân và chẳng ngần ngại sẽ chia những tri thức ở với mọi người, với thế giới bởi “tri thức là sức mạnh” nhưng chỉ một người có tri thức thì vẫn chẳng thể làm được điều gì lớn lao cho xã hội cả. Họ là những người biết cho đi, biết mở lòng, biết sẻ chia giúp đỡ. Họ là những người biết yêu, biết thương, biết che chở cho những người yếu thế. Đó là những người dám nghĩ dám làm, dám đặt cái lợi của bản thân xuống dưới lợi ích của cộng đồng, xã hội – điển hình như là ca sĩ Thủy Tiên và những hành động cao cả trong mùa bão lũ.

Tóm lại, Bác Hồ của chúng ta từng nhắn nhủ với thanh thiếu niên:

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công”

Vậy cho nên, hãy cứ đoàn kết lại, nắm tay nhau ta cùng bước đi và thành công sẽ đang chờ ta ở phía trước.

Viết bởi Bùi Ngọc

Nguồn: https://www.reader.com.vn/doan-ket-va-ich-ky-a386.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *