Phân tích bài thơ Tự tình của Hồ Xuân Hương

Phân tích bài thơ Tự tình của Hồ Xuân Hương

Bạn đang xem bài viết Phân tích bài thơ Tự tình của Hồ Xuân Hương được Vinabooks.vn tổng hợp sưu tầm từ trang Reader.com.vn các bạn hãy truy cập trang để mua sách ủng hộ đội ngũ có thêm kinh phí ra những bài viết hay hơn nhé.

“Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi

Này của Xuân Hương đã quệt rồi”

Câu thơ trên đã khẳng định cả tính vô cùng mạnh mẽ của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương. Hồ Xuân Hương được mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm, một hiện tượng độc đáo trong thơ ca Việt Nam. Sự nghiệp thơ văn của bà hết sức đồ sộ, tuy vậy tình duyên và cuộc đời người phụ nữ ấy lại éo le, ngang trái. Chùm thơ “Tự tình” gồm ba bài thơ là tác phẩm gắn liền với tên tuổi của nữ nhà thơ. Trong đó, bài thơ “Tự tình II” được coi là áng thơ giàu cảm xúc nhất, phản ánh tâm tư tình cảm của chính tác giả – một người phụ nữ “hồng nhan bạc phận”.

Phân tích bài thơ Tự tình của Hồ Xuân Hương

Mở đầu bài thơ, Hồ Xuân Hương viết:

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn”

Một câu thơ bảy chữ đã vẽ nên một bức tranh với cả không gian, thời gian và âm thanh. “Đêm khuya”, khi mọi vật đang chìm sâu trong giấc nồng thì tác giả của chúng ta lại đang còn thức. Từ láy “văng vẳng” gợi ra không gian thật bao la, rộng lớn – một khoảng không vô tận. Từ xa, tiếng trống chuyển canh “dồn” đến. Chắn hẳn, màn đêm ấy phải vô cùng tĩnh lặng thì tác giả mới có thể nghe được cả những âm thanh vang vọng nhỏ bé như vậy. Bức tranh được Hồ Xuân Hương vẽ nên, tưởng chừng như lấy động khắc tĩnh, nhưng thực chất lại là lấy tĩnh để miêu tả động. Dường như, cảnh vật yên ắng càng làm cho ta nghe được rõ hơn tiếng lòng ồn ã. “Tiếng trống dồn” lúc này như nhịp đập con tim của nhà thơ. Trong không gian tĩnh mịch, bóng tối như bọc lấy một trái tim cô đơn, hiu quạnh và rối bời. Người con gái ấy đang thổn thức không thể ngủ! 

Tại sao? Tại vì nỗi cô đơn, xót xa tột cùng cho số phận hồng nhan, lẽ mọn:

“Trơ cái hồng nhan với nước non”

Như ta đã biết, cuộc đời và tình duyên của bà chúa thơ Nôm vô cùng hỗn độn, ngang trái: hai lần lấy chồng, hai lần làm lẽ, hai lần lỡ dở. Tính từ “trơ” vừa tái hiện lại hoàn cảnh lẻ loi, đơn chiếc của nhân vật trữ tình (chính tác giả), vừa bộc lộ được tâm trạng bẽ bàng, tủi hổ của bà. Nghệ thuật đảo ngữ từ “trơ” lên đầu câu càng nhấn mạnh sự ê chề của người con gái trong bối cảnh ấy. Cụm từ “cái hồng nhan” gợi cho ta một cảm giác rằng: cái đẹp – người con gái ở đây không hề được trân trọng mà ngược lại còn bị rẻ rúng, hắt hủi. Tác giả sử dụng nhịp thơ 1/3/3 như để khắc họa từng bước đi của thời gian. Màn đêm đang dần trôi, bỏ mặc con người tủi hổ vẫn chưa thể nào chợp mắt.

Hai câu thơ đầu cho ta thấy hình ảnh con người thật là nhỏ bé giữa không gian đất trời. Đó là nỗi cô đơn khủng khiếp của một kiếp người bất hạnh, cũng là những khao khát cháy bỏng về hạnh phúc và tuổi xuân.Bằng nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, tác giả đã bộc lộ tâm sự của chính bản thân mình, đồng thời cũng thể hiện sự cảm thông, chia sẻ đến những người phụ nữ nói chung, những kiếp người cũng giống như bà…

Trong nỗi cô đơn tuyệt vọng, người phụ nữ đã tìm đến với rượu, mượn men cồn để giải sầu:

“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh”

Trớ trêu thay, bà cứ uống say rồi lại tỉnh. Mà, khi tỉnh lại, nỗi buồn lại ập đến, tác giả đành phải tiếp tục chuốc say bản thân… Cứ thế, những hành động lặp đi lặp lại, tạo thành một vòng tròn luẩn quẩn, bế tắc, không lối thoát. Bạn đọc có thể thấy trong thơ ca, hình ảnh người phụ nữ uống say quả thực là hiếm gặp. Và những con người đó, đều là những người phụ nữ khác biệt và phi thường. Ví dụ như trong tác phẩm “Truyện Kiều”, đại thi hào dân tộc Nguyễn Du có viết:

“Khi tỉnh rượu lúc tàn canh

Giật mình mình lại thương mình xót xa”

Câu thơ trên đã miêu tả lại hoàn cảnh sống của Thúy Kiều ở lầu xanh. Sau những cuộc vui ê chề phải động đến rượu, Kiều tự thấy tủi hổ và xót xa cho số phận của mình. Từ đó, ta thấy được vẻ thanh cao ẩn sâu trong tâm hồn người phụ nữ. Quay lại với tác giả Hồ Xuân Hương, phương án thứ nhất là dùng rượu để quên sầu đã thất bại. Bởi càng uống, người con gái lại càng ý thức được hoàn cảnh đáng thương của mình, vết thương lòng lại càng thêm đau đớn rỉ máu…

Đến với câu thơ tiếp theo, nữ sĩ tìm tới thiên nhiên tươi đẹp với mong muốn tạm quên đi nỗi đau thực tại:

“Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”

Thế nhưng, một lần nữa bà lại không thành công. Cảnh vật trong mắt một kẻ buồn bã thì làm sao có thể tươi đẹp được!? Câu thơ vừa tả cảnh, vừa như kể lại câu chuyện bi kịch của cuộc đời tác giả. Cái đẹp nào rồi cũng sẽ bị bào mòn theo năm tháng. Hình ảnh “vầng trăng” ẩn dụ cho cái đẹp, cho con người, hay chính là nữ thi nhân. Tác giả mượn “vầng trăng bóng xế” để nói về tuổi xuân đã qua của chính mình. Tính từ “khuyết chưa tròn” là biểu trưng cho nhân duyên lỡ dở, gãy khúc của người thi nhân. Câu thơ sử dụng vô cùng thành công nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, cho ta thấy được sự đồng nhất giữa cảnh vật và con người cô đơn.

Như vậy, hai câu thực đã khắc họa lại một cách rõ nét tâm trạng của nhân vật trữ tình trước cảnh đời méo mó: tuổi đời đã nhiều mà tình duyên vẫn chưa trọn. Nhà thơ tự ý thức được thực tại bẽ bàng và tủi hổ của bản thân mình.

Tới hai câu thơ luận:

“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám

Đâm toạc chân mây đá mấy hòn”

Phép đảo ngữ các động từ “xiên ngang”, “đâm toạc” lên đầu câu nhằm nhấn mạnh những hành động mạnh mẽ và dứt khoát, nhanh gọn. Chúng được nhà thơ kết hợp với phép liệt kê “mây từng đám”, “đá mấy hòn” cho ta hình dung những hình ảnh thiên nhiên vốn nhỏ bé, yếu mềm qua lời thơ của Hồ Xuân Hương lại trở nên thật quyết liệt và gai góc. Mượn hình ảnh của thiên nhiên, tác giả muốn bày tỏ những cảm xúc và khát vọng của chủ thể trữ tình. Mây và đá đang xé trời, rạch đất; thay Hồ Xuân Hương trút nỗi phẫn uất trước số phận hẩm hiu, bất bình. Cách sử dụng từ ngữ đã thể hiện được phong cách rất riêng của Hồ Xuân Hương. Bà luôn làm cho sự vật, cảnh vật trong thơ mình sinh động và căng đầy sức sống mãnh liệt. Từ đó, độc giả có thể nhìn ra bản tính, cá tính của bà chúa thơ Nôm – một người không cam chịu, một người phụ nữ luôn tràn đầy sức sống mãnh liệt ngay cả trong tình huống bi thương.

Phần kết, ta có thể hiểu hai câu thơ ấy như những lời than trách chán chường:

“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại

Mảnh tình san sẻ tí con con”

Động từ “ngán” được nữ nhà thơ đẩy lên đầu câu, đẩy tâm trạng của nhân vật trữ tình lên đỉnh điểm của sự ngao ngán, ghét bỏ. Từ “xuân” trong câu thơ, ta có thể hiểu theo hai nghĩa: một là mùa xuân của đất trời – một mùa trong năm, và hai là tuổi xuân – tuổi trẻ của con người. Thế nhưng, mùa xuân của thiên nhiên, của đất trời thì vô hạn tuần hoàn; còn mùa “xuân”, tuổi xuân của con người thì một đi không trở lại. Tới đây, ta chợt nhớ tới những câu thơ của Xuân Diệu trong tác phẩm “Vội vàng”:

“Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn

Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại

Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi”

Quả là, chẳng gì có thể thắng nổi vòng tuần hoàn luân chuyển của thời gian. Ý thơ của Hồ Xuân Hương làm hiện lên hình ảnh một người đàn bà tù túng, bức bối trong dòng thời gian dày đặc buồn bã, đang cay đắng, chán chường nhìn hương sắc đời mình tàn tạ. Thật là tê tái và xót xa làm sao! Câu thơ cuối, tác giả sử dụng nhịp thơ 2/2/1/2. “Mảnh tình” chỉ là lát cắt nhỏ của một cuộc tình không trọn vẹn, đã vậy lại còn phải san sẻ đến “tí con con” – không thể nào nhỏ hơn được nữa. Cách sử dụng từ ngữ thuần Việt kết hợp với nghệ thuật tăng tiến cho ta thấy được sự giảm dần trong tình cảm và tăng lên trong nỗi buồn. Tình cảm càng phải sẻ chia, thì nỗi đau lại càng nhân lên gấp bội, lời thơ của tác giả càng bi ai, tăng thêm ý nghĩa ngậm ngùi chua xót. Hai câu cuối khép lại, là tâm trạng chán chường, buồn tủi của một con người gặp nhiều trắc trở, éo le ấm ức trong tình duyên.

Tóm lại, bài thơ “Tự tình II” đã khắc họa rất rõ nét bi kịch của cuộc đời Hồ Xuân Hương. Bài thơ vừa là lời tâm sự của tác giả, vừa là tiếng lòng khao khát hạnh phúc cũng như sự phản kháng của bà trước số phận tăm tối, nổi trôi. Qua tác phẩm này, ta nhận ra và lên án sâu sắc chế độ phong kiến bất công, ngang trái. Đồng thời, thơ của Hồ Xuân Hương cũng là tiếng nói chung, sự phẫn uất và những niềm hy vọng chung của những người phụ nữ khác cùng thời. Bài thơ mang đầy giá trị nhân văn sâu sắc!

Viết bởi Bùi Ngọc

Nguồn: https://www.reader.com.vn/phan-tich-bai-tho-tu-tinh-cua-ho-xuan-huong-a182.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *